Nông sản sang Trung Quốc: Cửa vẫn rộng nếu không 'chộp giật'
Canada: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt nhập khẩu đậu nành / Phát triển xuất khẩu nông sản chính ngạch sang thị trường Trung Quốc
Ghi nhận từ Hội thảo Định hướng phát triển xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc cho nông sản và trái cây ngày 1/3 vừa qua tại TP.HCM.
Hiện Việt Nam mới có 8 loại trái cây nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, trong đó có nhãn. |
Trong suốt hơn ba năm qua, không ít lần truyền thông trong nước nêu cảnh báo đề cập tới những quy định kỹ thuật ngày càng khe khắt hơn của các cơ quan chức năng Trung Quốc đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung, đặc biệt là các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi…
Tuy nhiên, thực tế cho thấy dường như giới doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn “mất đà” khi không thể kịp đổi thay để đáp ứng những đòi hỏi mới từ một trong những người tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Đơn cử như mặt hàng gạo, nếu như trước đây, Việt nam có lượng gạo xuất đi Trung Quốc hàng năm lên tới 2 triệu tấn nhưng năm 2018 vừa qua, con số này đã giảm sốc về dưới 1 triệu tấn - không đạt được 1 tỷ USD kim ngạch. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc thực hiện chặt quy định giám sát tất cả DN bán gạo vào thị trường này.
Tuy nhiên, “hồi chuông” cảnh báo sớm thực ra đã xuất hiện từ năm 2015. Theo đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đề nghị Việt Nam “tiến cử” các nhà xuất khẩu gạo đáp ứng được những điều kiện kỹ thuật như yêu cầu. Và danh sách đã được phía Việt Nam “chốt” lại với 33 DN trên tổng số 99 DN có tên “sơ tuyển” ban đầu. Tuy vậy, sau hai đoàn kiểm tra từ Trung Quốc, chỉ còn 22 DN được bán gạo vào thị trường này.
Đến tháng 10 năm 2018 vừa qua, danh sách trên chỉ còn 19 DN do có thêm 3 DN bị phát hiện sản phẩm còn lẫn hạt cỏ. Đáng tiếc là trong số còn lại, phía Trung Quốc cũng vừa thông báo sẽ siết chặt kiểm tra hơn nữa khi phát hiện có tình trạng DN “xuất khẩu lượng gạo vượt quá năng lực sản xuất”. Nghi vấn “xuất khẩu hộ” một lần nữa đã khiến cơ quan chức năng Trung Quốc “mạnh tay” yêu cầu các nhà xuất khẩu gạo từ Việt Nam phải được đánh giá lại năng lực sản xuất bởi một bên thứ ba độc lập. Điều này có nghĩa những DN xuất khẩu vượt quá năng lực này sẽ bị phía Trung Quốc dừng giao dịch.
“Phải xác định làm ăn với Trung Quốc ngày nay cần đi theo con đường chân chính chứ không thể chộp giật được nữa”, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định.
Và không chỉ có gạo, sắp tới những nông sản xuất khẩu lớn của Việt Nam như sắn và các loại rau, hoa quả cũng sẽ phải đi theo tiến trình này. Ví dụ, đối với thực phẩm phải áp dụng HACCP; các cơ sở chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng phải có quy trình tương tự, phải lưu trữ hồ sơ sản xuất đầy đủ và chỉ ra được các rủi ro trong chế biến…
Thậm chí, sắp tới Trung Quốc sẽ không cho phép nhập khẩu hoa quả có dùng rơm rạ hoặc các loại thực vật để lót hoặc bảo quản theo lối truyền thống. Bởi lẽ chiếu theo Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế, cơ quan chức năng Trung Quốc cho rằng các nguyên liệu làm bao bì, (hoặc bảo quản sản phẩm) có nguồn gốc từ thực vật cũng phải được kiểm dịch. Ví dụ rơm rạ lót trái cây cũng phải được khử trùng.
Theo ông Shi Xinbiao – Giám đốc Công ty Xuất nhấp khẩu Liaocheng Xinghao, nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc - từ tháng 10 năm 2018, hải quan nước này đã lưu ý các nhà nhập khẩu về những yêu cầu đối với kiểm dịch thực vật các loại trái cây đến từ Việt Nam. Theo đó, từ năm 2019, trái cây tươi khi nhập vào Trung Quốc không chỉ cần có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của phía Việt Nam mà còn phải ghi rõ các thông tin liên quan tới nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa (cả ở nơi sản xuất và sơ chế, đóng gói). Sản phẩm nhập khẩu khi tiêu thụ trên thị trường nội địa Trung Quốc cũng phải có mã vạch, có QR code với các thông tin về xuất xứ, nguồn gốc, kiểm dịch…
Như vậy, các thay đổi về chính sách và quy định của Trung Quốc liên quan tới an toàn thực phẩm đang theo hướng cắt giảm số lượng đầu mối làm thương mại xuất khẩu vào thị trường này, tiến tới trực tiếp giám sát các nhà chế biến - xuất khẩu.
Không còn là thị trường dễ tính
Song song với các chính sách “thắt chặt”, cơ chế mới từ thị trường Trung Quốc mặt khác cũng “mở cửa” thênh thang hơn cho những nhà sản xuất đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật, có sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và minh bạch nguồn gốc.
Theo tinh thần trong cuộc gặp gỡ giữa các cơ quan chức năng đôi bên (Việt Nam-Trung Quốc) vừa qua, kênh “một cửa” cho các sản phẩm phụ của nông nghiệp sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm 2019 tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan. Trong đó, hai khâu kiểm tra hải quan và kiểm định được ghép thành một, rút ngắn thời gian thông quan chung cho hàng hóa; cửa khẩu hoạt động cả cuối tuần và lễ, tết; phòng thí nghiệm phân tích nhanh cũng sẽ được vận hành để kiểm soát các rủi ro về dịch hại đi cùng phụ phẩm nông nghiệp hoặc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật…
Như vậy, chuyện cứ sản xuất, cứ bán - mà hễ không bán được cho những người mua “khó tính” như Nhật Bản, EU hay Mỹ thì đều có thể bán đi Trung Quốc - giờ đang lùi vào quá khứ. Một thị trường trên đà tăng trưởng về chất của nền kinh tế đang cạnh tranh vị trí lớn nhất thế giới sẽ nhanh chóng không còn chấp nhận mua hàng kiểu “thượng vàng hạ cám” nữa.
Còn trong lúc tìm cách đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao từ bên mua với rất nhiều chi phí tiền bạc và thời gian, những nhà xuất khẩu Việt Nam có thể “đi thẳng vào hang cọp” để tranh thủ từng phút một lối ra cho nông sản. “Trung Quốc là một thị trưởng mở, tôi nghĩ DN và thương nhân Việt có thể trực tiếp sang tận các chợ bán buôn nông thủy sản ở Nam Ninh, Chiết Giang, Thượng Hải, Quảng Châu… để tìm đầu ra cho hàng hóa”, người đại diện công ty Liaocheng Xinghao (Trung Quốc) nêu ý kiến.
Nhà xuất nhập khẩu này cũng dự báo trong 10 năm tới, nhu cầu nhập hoa quả“xô” của thị trường Trung Quốc có thể sẽ chững lại. Thay vào đó là sức cầu ngày càng tăng đối với những sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ. Và lẽ tất nhiên, giá cả cũng sẽ tăng lên một tầm mức khác.
Hiện Việt Nam mới có 8 loại trái cây nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc gồm thanh long, xoài, vải, nhãn, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít. Tương lai có thể sẽ thêm cơ hội xuất khẩu các mặt hàng khác nữa như sầu riêng, bưởi, chanh leo, khoai lang, dừa, na, măng cụt…
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, năm 2018, Việt Nam tuy nhập siêu từ Trung Quốc hơn 24 tỷ USD nhưng riêng nông, lâm thủy sản lại xuất siêu vào thị trường này gần 6,2 tỷ USD. Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc như vậy dù nhìn trong ngắn hạn hay dài hạn đều đang mở ra cơ hội to lớn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025