Quản chặt điều kiện hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá, trong đó có bổ sung nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thẩm định giá và điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá.
Doanh nghiệp phát triển nóng, cạnh tranh không lành mạnh
Theo Bộ Tài chính, bên cạnh các mặt đạt được, trong quá trình tổ chức thi hành các quy định hướng dẫn chi tiết Luật Giá tại Nghị định số 89/2013/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế và bất cập trong quá trình cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thẩm định giá, cũng như quản lý điều kiện hành nghề của thẩm định viên về giá.
Điều này dẫn đến số lượng doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nóng, phá vỡ định hướng phát triển nghề trong giai đoạn 2013 – 2020. Đồng thời, cũng xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ, nhiều vụ việc thẩm định giá trong thi hành án, vay vốn ngân hàng gây bức xúc trong dư luận và xã hội.
Vì vậy, đến thời điểm này, cần thiết ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 89/2013/NĐ-CP, nhằm hoàn thiện môi trường pháp lý ổn định và thống nhất trong lĩnh vực thẩm định giá; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động thẩm định giá, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định này cũng nhằm phát triển nghề thẩm định giá tài sản theo lộ trình phù hợp và trở thành công cụ hữu hiệu giúp cho thị trường tài sản trở nên công khai, minh bạch; giúp cho việc quản lý và sử dụng hiệu quả các tài sản và các nguồn lực; giảm rủi ro trong đầu tư; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia nền kinh tế.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), việc sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm định giá tại thời điểm này là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao vai trò của Nhà nước, tăng cường công tác kiểm soát hoạt động nghề đối với các doanh nghiệp thẩm định giá. Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP sẽ bổ sung một số quy định nhằm đưa hoạt động thẩm định giá đi vào nề nếp, góp phần quản lý chặt chẽ hơn.
Thu hồi thẻ khi thẩm định viên có vi phạm nghiêm trọng
Tính đến nay, có 300 doanh nghiệp thẩm định giá đang hoạt động, với khoảng 1.400 thẩm định viên về giá đang hành nghề.
Về thẻ thẩm định viên về giá, dự thảo nghị định đã bổ sungquyđịnh: “Thẻ thẩm định viên về giá bị thu hồi trong các trường hợp: gian lận để được cấp thẻ thẩm định viên về giá; người đã được cấp thẻ thẩm định viên về giá bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên; đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước có thời hạn thẻ thẩm định viên về giá từ 2 lần trở lên”.
Theo Bộ Tài chính, hiện nay mới quy định thẻ thẩm định viên bị thu hồi trong các trường hợp gian lận để được cấp thẻ thẩm định viên về giá, mà chưa quy định trường hợp thu hồi khi thẩm định viên về giá có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình hành nghề.
Tham khảo một số các quy định về thu hồi các giấy phép, chứng chỉ hành nghề cho thấy, nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước có thời hạn chứng chỉ hành nghề từ 2 lần trở lên thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Đồng thời, những trường hợp đã được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên thì cũng cần thiết phải thu hồi thẻ thẩm định viên về giá. Quy định này cũng phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 36 Luật Giá về người đã bị kết án về tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên không được hành nghề thẩm định giá tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo nghị định cũng bổ sung điều kiện của người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá. Cụ thể, người đại diện phải là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định; có ít nhất 3 năm là thẩm định viên về giá hành nghề và ký ít nhất 30 bộ chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá.
Sở dĩ phải quy định cụ thể như trên, bởi Nghị định số 89/2013/NĐ-CP chưa nêu riêng về điều kiện của thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp với tư cách người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.
Thực tế đó dẫn đến thẩm định viên mới được cấp thẻ, chưa có kinh nghiệm thực tế hành nghề thẩm định giá, chưa xây dựng được uy tín với khách hàng đã đăng ký hành nghề thẩm định giá với tư cách người đại diện pháp luật và để thu hút khách hàng thường cạnh tranh bằng hạ giá dịch vụ thay vì cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết bổ sung quy định trên nhằm tăng cường chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá, giảm tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về giá của dịch vụ này.
Quy định này có thể làm tăng điều kiện kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh thẩm định giá. Tuy nhiên, đối với loại hình kinh doanh có điều kiện có tính chuyên môn cao, kết quả tư vấn ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá thì quy định này thực sự cần thiết./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 31/12/2024: Giảm trong ngày cuối cùng của năm
Chuyên gia chỉ ra 8 chủ đề đầu tư hấp dẫn năm 2025
Tỷ giá hôm nay 31/12: USD và NDT tiếp tục xu hướng tăng giá
Giá nông sản ngày 31/12/2024: Hồ tiêu biến động, cà phê giảm nhẹ
Giá heo hơi ngày 31/12/2024: Ổn định trên phạm vi cả nước
Becamex IDC công bố thông tin trái phiếu sai lệch