Quảng Ngãi: Ruộng ớt chín đỏ bị bỏ mặc, mắt người nông dân "cay xè"!
Hàng hoá không khan hiếm, không tăng giá trên cả nước / Thị trường ngày 9/5: Nguồn cung hàng hóa ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá
Ông Bùi Văn Vàng, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cho biết: Năm nay nông dân địa phương trồng hơn 150 ha ớt, tập trung chủ yếu ở các xã Nghĩa Thương, Nghĩa Hiệp, Nghĩa Mỹ và thị trấn Sông Vệ. Từ ngày 1/4 đến nay, ớt trong giai đoạn chín rộ nhưng thương lái Trung Quốc ngừng nhập khẩu loại nông sản này. Mặt khác, diện tích trồng ớt tại địa phương tăng hơn năm ngoái khoảng 50 ha. Cung vượt cầu khiến giá ớt giảm mạnh. Nông dân các xã Nghĩa Dũng, Nghĩa Hà mang ớt ra phơi dọc theo tuyến đường Trường Sa, TP Quảng Ngãi. Sau khi phơi khô, người nông dân tìm bán cho các cơ sở chế biến làm sa tế, tương ớt, ớt bột khô tiêu thụ thị trường nội địa. Số còn lại được thương lái mua rẻ về trữ hàng chờ giá. Việc đầu tư trồng ớt khắp nơi mang tính may rủi, không tuân thủ quy hoạch khiến cho bà con nông dân lâm cảnh "được mùa, mất giá", kém hiệu quả kinh tế.
Cặm cụi từ sáng đến trưa, loay hoay gom ớt vào bao ông Nguyễn Tấn Hồng, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) chia sẻ: Gia đình tôi thường thuê người hái trả công khoảng 200.000 đồng/người/ngày. Vụ trước thấy giá ớt tốt quá, mỗi ký ớt được thu mua có giá 50.000 -150.000 đồng/kg, mỗi sào ớt cho thu nhập trên 50 triệu đồng. Tuy công hái có cao nhưng cả chủ ruộng lẫn người làm công đều vui, nên vụ này đổ xô trồng ớt. Thời điểm giờ vào vụ năng suất cao, màu ớt đẹp nhưng giá rớt thảm, thương lái thu mua chỉ 10.000 đồng cho 3 kg ớt, nơi nào được cao hơn thì tầm 5.000- 6.000 đồng/kg, chưa kể đến công chăm sóc, giống, thuốc, phân bón… bỏ thì tiếc nên dồn về nhà phơi khô để đó, xem như vụ này lỗ nặng.
Người dân phơi ớt ở đoạn đường Trì Bình - Dung Quất (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Dạo qua những cánh đồng với một màu đỏ của ớt, nhiều nông dân bộc bạch: Giá thu mua ớt phải ở mức 15.000 đồng/kg trở lên mới có lãi. Với giá tầm 10.000 đồng/kg xem như vừa đủ chi phí, công mấy tháng chăm sóc coi như mất trắng. Nhìn cánh đồng rộng hàng nghìn m2, màu đỏ nối tiếp của ớt, nhưng người trồng không buồn hái, nhiều nông dân xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa bỏ mặc trên ruộng.
Ớt đầu vụ có giá khoảng 30.000 đồng/kg, người trồng đang hy vọng thì liền sau đó chỉ 3-4 ngày, giá ớt tụt dốc không phanh và kéo dài cho đến nay. Hiện trung bình chỉ có 5.000-6.000kg/kg, thậm chí có ngày chỉ còn 3.500- 4.500 đồng/kg.
Ông Võ Văn Hải, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi ) trồng hơn 7 sào ớt. Vụ trước thấy giá tốt nên vụ này “chơi lớn”. Hiện còn 5 sào ớt tốt ngang cổ người lớn đang đợt chín rộ, trĩu cành, thương giá ép giá từng ngày, hiện còn có 3.500 đồng/kg. Ớt chín rục ngoài đồng cả tuần nhưng giá cả quá thấp nên ông bỏ lơ, không buồn hái.
“Hái thì tốn cả ngày công mà chẳng thu được gì, nghĩ tới nghĩ lui chán. Mới hôm rồi bán được dăm ký rồi bỏ đấy, không hái nữa. Chứ với tình hình hiện nay, người trồng lỗ gần 5 triệu đồng/sào. Nếu không khả quan hơn, chắc nhổ bỏ” – ông Hải nói.
Xã Nghĩa Hà được xem là vựa ớt của TP Quảng Ngãi. Điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi khiến nơi đây trở thành vùng “hút” thương lái tứ phương về thu mua. Có năm, một sào ớt có thể lời được hơn 1 chỉ vàng. Còn bây giờ, với giá cả chạm đáy, tiểu thương thưa vắng, người trồng thì có thể thở dài, buồn bã.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Nghĩa Hà - ông Lê Văn Nghĩa nhiều ngày qua chạy đôn chạy đáo tìm kiếm các mối quan hệ để thu mua ớt: “Không riêng tại TP.Quảng Ngãi, doanh nghiệp ở nơi khác họ cũng lơ là, không mua. Năm nay thời tiết thuận nên ớt đẹp lắm, 1 sào thu được hơn 1 tấn là chuyện bình thường. Có điều giá ở khoảng 10.000 đồng/kg thì mới hòa vốn, có lãi thì phải 12.000- 15.000 đồng/kg, còn với giá cả chạm đáy như bây giờ, thương lái không mua, chỉ có thua lỗ nếu không muốn nói là nhiều hộ nhổ bỏ mất trắng”, ông Nghĩa cho hay.
Hiện nay, nhiều hộ trồng ớt sau khi thu hoạch xong lựa chọn phương án đem phơi. Biết là tiểu thương rất hiếm khi thu mua loại ớt này nhưng vẫn hy vọng bán được một ít để làm sa tế, tương ớt, ớt bột khô. Đang chính vụ, đi qua các trục đường ở những địa phương trồng ớt, không khó để bắt gặp các thảm ớt đỏ tươi kéo dài hàng km. Giữa cơn nắng như đổ lửa của tiết trời sắp vào hè, người dân gom từng bao ớt lớn mới thu hoạch ra phơi. Vị ớt nồng sực trong không gian, xộc thẳng vào mắt vào mũi. Cay xè!
Theo ngành nông nghiệp huyện Bình Sơn, những năm qua, phần lớn ớt tại Quảng Ngãi đều được xuất thô bán sang thị trường Trung Quốc, nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Lượng ớt mà thị trương tiêu thụ chấp nhận giảm tới hơn một nửa so với mọi năm. Đặc biệt, từ ngày 1/4, thời điểm ớt chín rộ, thương lái Trung Quốc lại ngưng nhập ớt, trong khi đó diện tích ớt trồng tại địa phương lại tăng hơn so với mọi năm ước trên 50ha, cung vượt cầu kéo theo giá giảm mạnh.
Việc đầu tư mang tính may rủi, thấy giá cao mà đầu tư xuống giống, mở rộng diện tích không hề có quy hoạch đã làm cây ớt thường xuyên bấp bệnh và chính bà con nông dân là người phải gánh chịu thiệt hại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025