Sức ép lớn từ khối ngoại ở thị trường điện máy Việt
Nắm bắt cơ hội xuất khẩu vào thị trường Mỹ hậu Covid-19 / Xuất khẩu cá tra thận trọng 'dò đường'
Dù là thương hiệu toàn cầu về công nghệ và các dòng sản phẩm điện máy như tivi, điều hoà, tủ lạnh, máy giặt…với việc có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng mãi cho đến tháng 11/2020 này tập đoàn đa quốc gia Hisense mới chính thức có mặt tại thị trường Việt Nam.
Thêm đối thủ sừng sỏ
Nói về việc gia nhập thị trường điện máy Việt Nam trong buổi họp báo ở Tp.HCM ngày 19/11, ông Đỗ Kế Nghiêm, Tổng giám đốc Công ty Hisense Việt Nam, cho biết họ đã có 14 trung tâm về sản xuất và chế tạo sản phẩm điện máy bao phủ toàn cầu. Và các sản phẩm mà doanh nghiệp (DN) này ở Việt Nam kinh doanh trong thời gian tới sẽ được nhập khẩu trực tiếp từ nhà máy của họ ở Thái Lan.
Sức ép cạnh tranh ở thị trường điện máy Việt càng lúc càng "nóng" |
Chia sẻ về khả năng cạnh tranh trên thị trường điện máy Việt vốn dĩ đang là sân chơi của những “ông lớn” của khối ngoại, ông Nghiêm đặc biệt nhấn mạnh đến thế mạnh về công nghệ có tính đẳng cấp thế giới cũng như chính sách dịch vụ hậu mãi độc đáo nhằm tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng Việt.
Có thể thấy, tuy dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sức mua mặt hàng điện máy nhưng thị trường điện máy Việt Nam vẫn đang là “miếng bánh béo bở” để các thương hiệu lớn của nước ngoài như trên nhắm đến nhằm thâm nhập và mở rộng thị phần.
Điều này có thể nhìn qua con số thống kê trong 10 tháng 2020 thì kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 51,3 tỷ USD (chiếm 24,4% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều ý kiến cho rằng các thương hiệu điện máy của khối ngoại không giấu tham vọng thâm nhập sâu vào thị trường Việt nhằm tận dụng tối đa tính hiệu lực từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và mới nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Bên cạnh đó, các tập đoàn đa quốc gia trong ngành công nghệ cũng đang nhận thấy rõ thị trường Việt Nam là mảnh đất màu mỡ của lĩnh vực công nghiệp điện tử. Điều này có thể nhận thấy thông qua hoạt động đầu tư tại Việt Nam của hãng công nghệ lớn trên toàn cầu như Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel…
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một chuyên gia nghiên cứu thị trường điện máy nhận định để thâm nhập và mở rộng thị phần ở Việt Nam thì các nhà sản xuất điện máy lớn sẽ luôn cập nhật công nghệ mới, mẫu mã mới để kích thích nhu cầu mua sắm, thay đổi của người dùng.
Theo vị chuyên gia này, nếu nhìn lạc quan, mặc dù thị trường điện máy Việt trong năm 2020 bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid dẫn đến sức mua sụt giảm, nhưng khi nền kinh tế phục hồi, thu nhập của người dân gia tăng trở lại thì việc mua sắm mặt hàng điện vẫn được họ nhắm đến, tăng trưởng doanh thu ngành hàng này còn nhiều hứa hẹn trong thời gian tới.
Thách thức từ sức mua
Còn hiện tại thì tình trạng tồn kho vẫn đang là áp lực lớn với các DN điện máy. Như đánh giá của Bộ Công Thương, trong 9 tháng đầu năm 2020, trong một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước. Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng đến 143,7%.
Không những vậy, một số thông tin được cập nhật mới đây còn cho rằng tổng lượng tồn kho trên thị trường điện máy Việt năm nay tăng so với năm trước từ 30% - 50% tùy mặt hàng, với số lượng lên đến vài triệu sản phẩm. Đáng chú ý, các sản phẩm máy lọc không khí, máy giặt, tủ lạnh, máy lạnh, tivi là những mặt hàng tồn kho nhiều nhất hiện nay.
Kể cả nhiều DN điện tử, điện máy đua nhau đồng loạt giảm giá sâu, thậm chí là giảm giá đến 60% để cắt lỗ, cũng như mở hàng loạt chương trình khuyến mãi trong dịp cuối năm nay nhưng tình hình vẫn chưa lay chuyển nhiều.
Nhiều nhận định cho biết do ảnh hưởng Covid-19 nhưng lượng hàng tiêu thụ của các DN điện máy tính đến tháng 11/2020 này mới chỉ đạt khoảng 60% trong bối cảnh áp lực hàng tồn kho từ năm 2018 đến nay còn rất lớn và cả áp lực trước những hàng mẫu mới chuẩn bị tung ra thị trường.
Khó khăn thị trường là vậy, nhưng ở lĩnh vực bán lẻ ngành điện máy, bên cạnh một số DN đã phải rời bỏ thị trường thì vẫn có những “ông lớn” vẫn không giấu tham vọng mở rộng hệ thống.
Đơn cử như Điện máy Xanh từng dự tính cho đến cuối năm 2020 sẽ tăng tốc mở mới khoảng 300 cửa hàng kiểu nhỏ “supermini”. Tính chất của loại cửa hàng này là nhỏ gọn và bao phủ dày đặc.
Ngoài ra, hãng bán lẻ điện máy này còn đặt ra mục tiêu trong năm 2021 sẽ tăng lên 1.000 cửa hàng trên cả nước và doanh thu tăng gấp 10 lần, lên 5.000 tỷ đồng. Và đến năm 2022 sẽ đạt 1.200 cửa hàng với mục tiêu đặt ra là chiếm 60% thị phần bán lẻ điện máy toàn thị trường.
Trên thực tế, việc mở rộng hệ thống sẽ chỉ đạt được hiệu quả khi DN kiểm soát được hoạt động, nhất là trong bối cảnh sức mua đang là thách thức lớn với lĩnh vực bán lẻ điện máy.
Còn với tình hình chung của thị trường điện máy Việt trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều sức ép cạnh tranh khắc nghiệt mang tính “thắng thua” với sự tham gia của các đối thủ sừng sỏ từ khối ngoại trước sự mờ nhạt của các DN điện máy nội địa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
PMI ngành sản xuất sụt giảm tháng cuối năm 2024
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025