Tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới - Bài 1: Thế 'khó chồng khó'
Thị trường bất ổn, UBCKNN yêu cầu công bố số liệu tự doanh của công ty chứng khoán / "Cơn lốc" trái phiếu: Gần 80% giá trị phát hành thuộc về doanh nghiệp chưa niêm yết
Trong bối cảnh “khó chồng khó”, các doanh nghiệp đã nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, xây dựng khả năng thích ứng với tình hình hiện tại và đề phòng cho những cú sốc trong tương lai.
Trong khi đó, chính phủ các nước cũng đưa vấn đề chuỗi cung ứng vào chương trình nghị sự kinh tế và chiến lược quốc gia để chuẩn bị cho kịch bản khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu có thể trở nên phức tạp hơn trong những năm tới. Bên cạnh đó, những xu hướng và hình thái mới đang hình thành, qua đó thúc đẩy tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng ổn định, an toàn và bền vững hơn. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang đặt ra nhiều thách thức cho hoạt động ngoại thương cũng như sản xuất của Việt Nam. Tuy nhiên, với những lợi thế của mình, Việt Nam có thể vươn lên và tận dụng những cơ hội mà bối cảnh mới mang lại, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để có cái nhìn toàn cảnh, sâu sắc về xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng cũng như những cơ hội mà Việt Nam có thể khai thác, TTXVN trân trọng giới thiệu chùm bài gồm 4 bài viết mang tên “Tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh mới”.
Bài 1: Thế"khó chồng khó"
Kể từ năm 2021 đến nay, kinh tế thế giới phục hồi chật vật do sự hoành hành của đại dịch COVID-19. Không chỉ có vậy,xung đột Nga-Ukrainebùng nổ đã làm bức tranh về chuỗi ung ứng toàn cầu, vốn được ví như tuyến "huyết mạch" của kinh tế thế giới, thêm phần "u ám". Hệ thống kho vận (logistics) và thương mại quốc tế hứng chịu cú sốc mạnh chưa từng có.
Các tác nhân đan xen
Nguyên nhân dẫn đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu là các yếu tố đan xen phức tạp, bao gồm hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai, đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị, năng lực sản xuất yếu, thiếu hụt nguồn cung và nhân lực, nút thắt logistics và hiệu quả hoạt động cảng thấp…
Có 5 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu lần này. Đầu tiên, đại dịch COVID-19 đã tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu. Các biện pháp phong tỏa và cách ly để kiểm soát dịch bệnh đã gây ra cú sốc lớn đối với cả hai phía cung, cầu.
Về khách quan, cách ly và phong tỏa được áp dụng trên diện rộng để kiềm chế dịch bệnh đã khiến chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu đứt gãy, tắc nghẽn, bộc lộ tính mong manh của sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Thứ hai, sự phân hóa về tốc độ phục hồi ở các nền kinh tế khác nhau dẫn đến cung và cầu lệch pha. Tình hình phục hồi của các nền kinh tế phát triển đi trước đáng kể so với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Mỹ thực hiện một số gói chi tiêu cứu trợ kinh tế và chống dịch quy mô lớn, cộng thêm việc mở cửa trở lại nền kinh tế nên nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng mạnh. Tuy nhiên, do các yếu tố như thiếu hụt lao động, thiếu hụt linh kiện then chốt và nguyên liệu…, và năng lực logistics của Mỹ chưa thể phục hồi kịp thời, nên vấn đề cung không đủ cầu đã xuất hiện.
Thứ ba, hoạt động vận chuyển quốc tế không thông suốt, hiệu quả hoạt động của các cảng thấp đã hạn chế sự vận hành bình thường của chuỗi cung ứng. Dưới sức ảnh hưởng lan tỏa của dịch bệnh, năng lực vận chuyển toàn cầu gặp khó khăn, hoạt động của các mắt xích trung gian trong chuỗi cung ứng bị phá hủy. Điều này đã hạn chế sự vận hành bình thường của chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo báo cáo phân tích của công ty tư vấn vận tải biển Sea-Intelligence, do tắc nghẽn cảng, tàu chậm trễ nên 12,5% năng lực vận chuyển toàn cầu không thể sử dụng, dẫn đến cước vận tải tăng mạnh.
Thứ tư, thiếu hụt nhân lực làm trầm trọng thêm vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng. Dịch bệnh gây ra tác động lâu dài đối với thị trường lao động toàn cầu, rất nhiều nước đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động. Đối với ngành logistics, ví dụ điển hình chính là một số nước không có đủ lái xe tải để chuyển các container chất đống ở cảng đến địa điểm cần thiết. Các nước như Mỹ, Anh… đều đối mặt với vấn đề thiếu tài xế xe tải trầm trọng. Thiếu hụt lao động đã hạn chế sự phục hồi năng lực sản xuất của các nước, từ đó tác động đến năng lực vận tải toàn cầu và hiệu quả hoạt động của các cảng.
Thứ năm, xung đột Nga-Ukraine tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng năng lượng và lương thực toàn cầu. Cuộc chiến năng lượng do Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nga triển khai trên lĩnh vực năng lượng khiến cán cân cung-cầu năng lượng toàn cầu xuất hiện tình trạng lệch pha, qua đó tác động nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng khí đốt tự nhiên trên thị trường thế giới, cũng như làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt tự nhiên. Những yếu tố này khiến giá cả tăng vọt ở châu Âu.
Bên cạnh đó, căng thẳng chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu cũng gia tăng, do Nga và Ukraine cấm xuất khẩu, hoạt động vận chuyển gặp khó khăn, cũng như không thể thu hoạch và canh tác vì xung đột.
Thực trạng và hệ lụy
Việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy đã gây ra những rắc rối và tác động mạnh đến đời sống kinh tế-xã hội của nhiều nước. Sự rối loạn của hệ thống cung ứng và logictics ở Mỹ đã kéo dài nhiều tháng. Do nhu cầu tăng nhanh sau khi tái khởi động nền kinh tế trong khi chuỗi cung ứng tiếp tục căng thẳng, các doanh nghiệp đối diện với rủi ro thiếu hụt nguyên liệu, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo kết quả khảo sát của chi nhánh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại Richmond, gần 3/4 doanh nghiệp nhỏ và vừa đối diện với vấn đề chuỗi cung ứng không thông suốt, trong đó sự chậm trễ về nguồn cung nguyên liệu, vận chuyển và sản xuất là những thách thức được đề cập nhiều nhất.
Bắt đầu từ tháng 9/2021, hiện tượng người dân Mỹ tranh nhau mua hàng, tích trữ diễn ra nghiêm trọng. Quầy hàng trong các trung tâm thương mại và siêu thị trống trơn, thời gian mua hàng trực tuyến kéo dài, người dân cảm nhận nhiều hơn sự căng thẳng của chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, tình trạng tắc nghẽn diễn ra trầm trọng ở nhiều cảng biển chủ chốt trên toàn cầu. Tháng 3/2021, kênh đào Suez xảy ra sự cố tắc nghẽn khiến cước vận tải hàng hóa quốc tế leo thang, việc một khối lượng hàng hóa khổng lồ tồn đọng ở cảng từng làm dấy lên lo ngại về sự đứt gãy của chuỗi cung ứng logistics toàn cầu. Sau đó, tình trạng tàu hàng tắc nghẽn, kẹt cảng, hàng hóa chậm trễ diễn ra thường xuyên hơn, cảng và bến cảng trở thành "bãi đỗ" của tàu thuyền, tình trạng ùn tắc của các cảng trên toàn cầu tiếp tục diễn biến tiêu cực.
Trung Quốc là căn cứ sản xuất và lắp ráp hàng hóa quan trọng của toàn cầu. Trong bối cảnh biến thể Omicron bùng phát mạnh, nước này buộc phải phong tỏa nhiều thành phố chủ chốt. Việc phong tỏa Thượng Hải không chỉ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, mà chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu cũng đều bị tác động do thành phố này là trung tâm kinh tế, tài chính, đầu mối vận chuyển logistics quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và toàn cầu. Tính đến cuối năm 2021, có 827 công ty xuyên quốc gia đặt trụ sở chính ở Thượng Hải, trong đó có 121 công ty nằm trong danh sách Fortune Global 500.
Cảng Thượng Hải là cảng bận rộn nhất thế giới với khối lượng bốc dỡ hàng hóa đạt hơn 47 triệu container tiêu chuẩn trong năm 2021, đứng đầu thế giới trong 12 năm liên tục...
Hệ lụy là một số nhà máy ở Nhật Bản của các hãng ô tô Mitsubishi Motors, Mazda, Daihatsu… đều tuyên bố ngừng hoạt động vào đầu tháng Tư, Honda thông báo cắt giảm 30% công suất trong tháng Tư, trong khi đó Tesla ước tính việc ngừng hoạt động trong ba tuần sẽ làm giảm gần 40.000 xe xuất xưởng, tương đương 13% sản lượng toàn cầu của quý IV/2021.
Theo số liệu của trang thông tin dịch vụ hậu cần Project44, hiện nay các container nhập khẩu tại cảng Thượng Hải sẽ lưu lại cảng trung bình 12,1 ngày, lâu hơn gấp ba lần so với cuối tháng Ba. Tương tự, các mặt hành như linh kiện ô tô và sản phẩm điện tử sản xuất ở Trung Quốc cũng bắt đầu rơi vào cuộc khủng hoảng xuất khẩu do thiếu xe tải chuyên chở.
Ở góc độ vĩ mô hơn, chuỗi cung ứng là một quy trình tổng thể liên kết chặt chẽ, khi một khâu bị cản trở thì hiệu quả vận hành của các khâu khác sẽ sụt giảm. Việc năng lực sản xuất thượng nguồn của chuỗi cung ứng bị tác động, hệ thống giao thông vận tải toàn cầu liên kết các khâu không thông suốt, cộng thêm dự trữ hạ nguồn không đầy đủ, sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề chuỗi cung ứng toàn cầu trong giai đoạn hiện nay.
Ở Mỹ, nút thắt nguồn cung dẫn đến cung không đủ cầu, thúc đẩy giá tiêu dùng lên cao, tất cả các chủng loại hàng hóa từ thực phẩm, đồ uống đến vật dụng gia đình, ô tô đều tăng giá. Từ tháng 4/2021 đến nay, tỷ lệ lạm phát của Mỹ liên lục leo thang, với Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng Ba tăng 8,5% so với cùng kỳ, ghi nhận mức cao nhất trong hơn 40 năm qua.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt lao động và tăng lương đã dẫn đến chu kỳ xoắn ốc tiền lương-vật giá, đổ thêm dầu vào "ngọn lửa" lạm phát đang neo ở mức cao. Theo Fed, nút thắt chuỗi cung ứng đã hạn chế năng lực đáp ứng nhu cầu phục hồi trong ngắn hạn của nền kinh tế, khiến cho vật giá tăng mạnh và tỷ lệ lạm phát tổng thể vượt xa mức mục tiêu 2%.
Chuỗi cung ứng đứt gãy tiếp tục đè nặng lên đà phục hồi kinh tế. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý I/2022 của nước này đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh so với tốc độ tăng trưởng 6,9% trong quý IV/2021.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
VietinBank đẩy mạnh ứng dụng AI