Tốc độ tăng kim ngạch XK của khu vực trong nước gây chú ý
Theo báo cáo vừa được Bộ Công Thương đưa ra, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2019 ước tính đạt 382,72 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu ước đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 194,3 tỷ USD, tăng 8,2%, bằng 73,9% kế hoạch năm. (8T tăng 8,1%; 7T tăng 7,8%; 6T tăng 7,2%; 5T tăng 7,1%; 4T tăng 6,5%; 3T tăng 5,3%; 2T tăng 4,2%).
Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù đây là mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ của năm 2017 - 2018 (tăng tương ứng 20,6% và 15,8%) nhưng cho thấy nỗ lực rất lớn và là xu hướng tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu diễn biễn phức tạp.
Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%), qua đó tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,5%).
Như vậy, sau khi đạt mức tăng trưởng khá cao trong năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 16,4%, cao gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước (đạt 8,2%) và tăng gấp hơn 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (đạt 5%).
Trong 9 tháng đầu năm 2019 có 31/45 mặt hàng có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 90,96% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Về nhóm hàng và mặt hàng xuất khẩu: Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: trong 9 tháng đầu năm 2019 đã giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2018 do gặp nhiều khó về thị trường và giá bán.
Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: cũng giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 3,29 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu than đá giảm 53,2%, dầu thô giảm 8,6% dù lượng tăng 2,6%.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu chung, ước đạt 163,66 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,23% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,6% của năm 2018 và 81,1% của năm 2017.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD đều thuộc về nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, điện thoại các loại là mặt hàng có kim ngạch đạt cao nhất với 38,6 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 16,4% trong 9 tháng đầu năm 2018 và 23,3% trong 9 tháng đầu năm 2017.
Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng chậm lại là một trong những nguyên nhân chính khiến tăng trưởng xuất khẩu chung thấp hơn những năm trước dù các mặt hàng chủ lực khác duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao như: Kim ngạch xuất khẩu máy vi tính tăng 16,9%; dệt may tăng 10,4%; giày dép tăng 13,5% và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 7,5%. Kim ngạch xuất khẩu của 5 mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm 2019 đóng góp 10,37 tỷ USD, chiếm 70,34% trong tổng số 14,75 tỷ USD tăng thêm của tổng kim ngạch xuất khẩu chung so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam cũng làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang các thị trường có ký kết FTA với Việt Nam đa số đều đạt mức tăng trưởng tốt. Đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu (xuất khẩu sang Canađa 9 tháng đầu năm đạt 2,9 tỷ USD, tăng 30,9%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27%). Riêng thị trường Mỹ, vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2019 tăng 28,2% so với cùng kỳ, ước đạt 44,86 tỷ USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới