Xuất khẩu cá tra thận trọng 'dò đường'
Đà Nẵng sẽ xem xét điều chỉnh giá đất cho phù hợp / Tiền Giang: Người phụ nữ 5x làm giàu nhờ nuôi bọ cạp
Thực tế, trong những năm gần đây, ngành sản xuất, chế biến cá tra luôn tồn tại bất cập là giá cá tra bấp bênh, người nuôi thua lỗ. Năm 2020, khi dịch COVID-19 ập đến đã khiến ngành này đã khó lại càng thêm khó, giá cá tra trượt dốc "không phanh".
Thận trọng với thị trường Trung Quốc
Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều tín hiệu cho thấy ngành cá tra đang phục hồi. Theo báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá cá tra tại tỉnh An Giang tuần đầu tháng 11/2020 tăng nhẹ đối với cá cỡ 0,7 - 0,9 kg/con dao động trong khoảng 22.000 - 22.500 đồng/kg, giá cá tra trên 1kg/con từ 22.500 - 23.000 đồng/kg. Như vậy, giá cá tra đã cải thiện đáng kể so với mức 18.500 - 19.000 đồng/kg trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2020 và tăng khá so với cùng kỳ năm 2019.
Xuất khẩu cá tra không nên trông chờ vào một thị trường.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, giá cá tra tăng khi các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh thu mua nguyên liệu để chế biến các sản phẩm phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu (XK), nhất là XK sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá cá tăng còn do nguồn cung cá tra nguyên liệu tại nhiều địa phương đang có phần hạn chế vì thời gian qua nhiều người dân đã giảm diện tích nuôi hoặc nuôi với mật độ thấp. Dự báo, giá cá tra nguyên liệu nhiều khả năng còn tăng trong thời gian tới.
XK cá tra sang thị trường Trung Quốc trở lại nhưng các DN cũng đang tỏ rõ sự thận trọng. Ông Đỗ Lập Nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt, cho hay dù XK sang thị trường Trung Quốc gần như bình thường trở lại nhưng DN đang dè chừng. Bởi vì giá cá tra đang lên nhanh, nếu ký hợp đồng chốt giá sớm quá mà hôm sau giá cá tra lên nữa thì sẽ thua lỗ.
Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến nửa đầu tháng 10/2020, tổng giá trị XK cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đạt 385,9 triệu USD, chiếm tới 34,4% tổng giá trị XK cá tra và năm nay số lượng DN cá tra tham gia vào thị trường này cũng đông đảo nhất với 130 DN.
Nguyên nhân là do năm 2020, sản lượng cá tra nuôi của Trung Quốc cũng có thể bị giảm gần 1/2, từ 32.000 tấn xuống còn khoảng 18.000 tấn do sản lượng cá thịt trắng trong nước lớn, nuôi trồng cũng bị ảnh hưởng.
Hướng về thị trường nội địa
Sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ bị đánh thuế cao khiến cho nhiều DN Trung Quốc quay lại thị trường nội địa, đồng thời lên kế hoạch tăng cường hoạt động nuôi trồng cá tra tại một số địa phương có diện tích nuôi cá rô phi lớn. Tuy nhiên, cho tới nay, chất lượng cá tra Trung Quốc vẫn chưa thể đạt được yêu cầu của khách hàng nước này do thịt vàng, cá bột khó sinh trưởng trong môi trường với nhiệt độ lạnh. Do đó, cá tra Việt Nam vẫn đang chiếm lĩnh và có ưu thế tại thị trường này.
Tuy nhiên, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng động thái mua trở lại của Trung Quốc thời gian gần đây mang tính chất dự trữ nhiều hơn bởi họ dự phòng khả năng dịch COVID-19 tái bùng phát trở lại. Nếu đây chỉ là hiện tượng phục hồi bình thường thì là tín hiệu khả quan. Thế nhưng nếu chỉ là động thái mua dự trữ thì triển vọng trong dài dạn rất khó lường.
Mặt khác, VASEP cũng khuyến nghị các DN XK cần thận trọng trước khi quyết định mở rộng hay gia tăng đột ngột diện tích nuôi, sản xuất cá tra nguyên liệu.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc công ty Vĩnh Hoàn cũng chỉ ra thách thức lớn nhất của XK cá tra là DN cần phải gia tăng sản xuất, năng lực cạnh tranh qua phân khúc có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chưa có dự báo chắc chắn 100% thì điều DN cần làm là nâng cao năng lực dự trữ hàng tồn kho.
Về phần mình, Bộ NN&PTNT khuyến nghị, ngành cá tra cần phải phát triển theo hướng chế biến sâu, không nên chăm chăm chú ý vào thị trường XK mà dung lượng của thế giới đối với sản phẩm này có hạn. Thay vào đó, ngành này cần hướng đến thị trường trong nước với gần 100 triệu dân, dự báo còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký VASEP, nếu chúng ta có chương trình, chiến lược để khai thác tốt được thị trường nội địa sẽ góp phần tạo cú hích cho phát triển XK. Thị trường nội địa cho con cá tra sẽ được khai thác tốt thông qua việc tạo dựng hình ảnh, thương hiệu, chất lượng của cá tra, các sản phẩm chế biến từ cá tra và sự yêu thích của người tiêu dùng trong nước và của du khách đối với sản phẩm cá tra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 3/1/2025: SJC cùng vàng nhẫn tăng vọt
Giá ngoại tệ ngày 3/1/2025: USD đạt mức cao mới, Index vượt ngưỡng 109
Giá nông sản ngày 3/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ mức cao
Giá heo hơi ngày 3/1/2025: Ổn định trên cả nước
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
VietinBank đẩy mạnh ứng dụng AI