Xuất khẩu gạo giảm hơn 30% trong quý I
Hà Nội quyết tâm thực hiện 6 giải pháp phát triển kinh tế-xã hội / Tăng khả năng thích ứng trước những tác động để xuất khẩu bền vững
Khối lượng xuất khẩu gạo giảm mạnh hơn 30% so với cùng kỳ và giá trị giảm trên 17%. Nguyên nhân được cho là bởi số lượng container hạn chế đã khiến giá cước vận tải tăng cao từ 3 - 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Gần đây, nhiều hãng tàu nước ngoài thông báo cắt dịch vụ trên một số chặng và chưa có kế hoạch cho năm nay lại càng làm gia tăng áp lực trong ngành vận tải biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại trên toàn thế giới.
Ngoài ra, trong 3 tháng qua, các thị trường nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam như Philippines và Trung Quốc cũng đều giảm sản lượng nhập về.
Ảnh minh họa. Nguồn: VOV.
Tính đến thời điểm này, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, riêng trong 2 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gạo sang quốc gia này đã chiếm tới 38,3% thị phần. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu sang Philippines đã giảm 28,3%, chỉ đạt 225,9 nghìn tấn với 137,6 triệu USD.
Ở các thị trường nhỏ hơn, khối lượng xuất khẩu gạo cũng bị giảm sút. Trong đó, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Mozambique (giảm 83,6%).
Bên cạnh những khó khăn về container, cước tàu biển và thị trường xuất khẩu, ngành gạo Việt Nam cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt về giá cả với các nước.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến phiên giao dịch ngày 8/4, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đã sụt giảm mạnh tới 35 USD/tấn so với phiên giao dịch ngày 26/3/2021. Cụ thể, giá gạo 5% tấm hiện ở mức 483-487 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với phiên ngày 7/4 và giảm mạnh 35 USD/tấn so với mức giá đỉnh điểm là 522 USD/tấn ngày 26/3.
End of content
Không có tin nào tiếp theo