Xuất khẩu gỗ 7 tháng đầu năm tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm 2021
Tháng 1/2021: Xuất khẩu gỗ đạt 1,25 tỷ USD / Xuất khẩu gỗ kỳ vọng đạt kỷ lục mới
Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,42 tỷ USD, tăng 1,3 % so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,72 tỷ USD, tăng 1,2 % (dăm gỗ 1,4 tỷ USD, tăng 29,8%, viên nén gỗ 0,45 tỷ USD, tăng 78,5%, ván các loại 0,91 tỷ USD, tăng 22,1%; sản phẩm gỗ 6,97 tỷ USD, giảm 6,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 0,7 tỷ USD, tăng 2,6 %.
Tính riêng trong tháng 7, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 1,41 tỷ USD, giảm 5,5 % so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6 % so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường, 7 tháng đầu năm, gỗ và lâm sản xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường ước đạt 9,38 tỷ USD, chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Đánh giá chung, Tổng cục Lâm nghiệp nhận định: Tăng trưởng xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao (chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển tăng mạnh); các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Một số mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu cao như dăm gỗ, tăng 29,8%; viên nén tăng 78% do nhu cầu thế giới tăng cao; giá xuất khẩu các mặt hàng này cũng tăng cao, đạt trung bình 170 USD/tấn, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2021.
Thị trường xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm 4,9% do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm. Xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng trưởng mạnh, trên 13%, do xuất khẩu dăm gỗ và viên nén tăng.
Nhập khẩu nguyên liệu từ các thị trường Châu Âu giảm mạnh, cụ thể: Đức giảm 2,2%, Pháp giảm 6,9%, Italia giảm 10,1%, Thuỵ Điển giảm 42,1%, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine, dẫn đến vận chuyển gặp khó khăn.
Nhập khẩu nguyên liệu từ một số quốc gia tăng cao như Nga, Phần Lan, Bỉ… do phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu bổ sung do nguồn cung giảm tại các thị trường khác.
Cũng theo Tổng cục Lâm nghiệp, nguồn cùng nguyên liệu từ gỗ rừng trồng trong nước vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Hiện nay, do nhu cầu sản xuất dăm gỗ và viên nén tăng, dẫn đến giá thu mua tăng cao, trên 30% nên các chủ rừng có xu hướng chặt rừng non (rừng trồng 3-4 tuổi), dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu gỗ cho chế biến các loại sản phẩm gỗ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo