Thị trường

Thời ngân hàng vời doanh nghiệp vay vốn

“Chưa bao giờ, tăng trưởng tín dụng lại khó như năm nay. Dù lãi suất cho vay đã hạ thấp hơn cả lãi suất huy động, nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà vay vốn”.

Dù lãi suất cho vay đã hạ thấp hơn cả lãi suất huy động, nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà vay vốn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 23/5/2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,28%, huy động vốn tăng 4,2%, trong khi tín dụng chỉ tăng 1,31%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (2,29%).

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần than thở: “Chưa bao giờ, tăng trưởng tín dụng lại khó như năm nay. Tính đến ngày 15/5, tín dụng tại ngân hàng chúng tôi mới thoát khỏi cảnh tăng trưởng âm. Dù lãi suất cho vay đã hạ thấp hơn cả lãi suất huy động, nhưng doanh nghiệp vẫn không mặn mà vay vốn”.

Thừa nhận thực tế này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) nhận định, tín dụng tăng chậm là do cầu tín dụng của nền kinh tế quá yếu.
 
“Các doanh nghiệp tốt có thể vay vốn với lãi suất 5 - 6%/năm. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đi tới 40 tỉnh, thành phố để làm việc với các sở, ban, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tín dụng tăng rất chậm do sản xuất - kinh doanh trong nước vẫn khó khăn, tổng cầu tín dụng thấp”, ông Mạnh nói.
 
Với quyết tâm thúc đẩy tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các ngân hàng thương mại và chi nhánh các địa phương tích cực, chủ động kết nối với doanh nghiệp, mời gọi doanh nghiệp vay vốn.
 
Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, chiều nay (30/5), Hà Nội sẽ tổ chức buổi gặp gỡ giữa UBND TP. Hà Nội với các doanh nghiệp lớn và các tổ chức tín dụng để chính thức triển khai kế hoạch thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Theo dự kiến, 5 ngân hàng và các doanh nghiệp lớn sẽ ký kết chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 11.000 tỷ đồng.
 
Trước đó, chương trình kết nối này đã được triển khai tại một số địa phương và có những dấu hiệu tốt. “Các ngân hàng đã chủ động tiến tới khách hàng. Đây là hành động tích cực”, ông Mạnh bình luận.
 
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tuy tín dụng tăng trưởng chậm, song mặt tích cực là vốn đã chảy đúng vào các lĩnh vực ưu tiên.
 
Cụ thể, tính đến ngày 23/5, tín dụng với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng tới 2,6%, cao gấp hai lần tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành. Tín dụng cũng tăng trưởng khá khả quan ở một số lĩnh vực khác, như xuất khẩu tăng 5,9%... Đặc biệt, sau nhiều tháng tăng trưởng âm, tín dụng với khối DN nhỏ và vừa đã “lên khỏi mặt đất”, với mức tăng 0,34%.
 
Kích cầu bằng nhiều gói tín dụng mới
 
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 12 -14% trở nên rất thách thức, khi toàn bộ gánh nặng tín dụng của cả năm hầu như vẫn còn nguyên trong 6 tháng cuối năm.
 
Trước tình hình này, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, triển vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng khó trở lại nhanh, vì xử lý nợ xấu mất nhiều thời gian, các  vấn đề về tái cơ cấu ngân hàng chưa được thực hiện đến tận gốc rễ…
 
Để phục hồi tăng trưởng tín dụng, có thể kéo dài vài ba năm và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% - 14% của hệ thống ngân hàng năm 2014 còn khá xa vời.
 
Mặc dù vậy, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, cơ quan này vẫn tin tưởng và kỳ vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm nay.
 
Theo bà Hồng, với tình hình thanh khoản dư thừa như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước luôn chuẩn bị sẵn sàng để tái cấp vốn cho các chương trình tín dụng lớn.
 
Ngoài ra, để tín dụng khai thông, các bộ, ngành cần có giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp như bảo lãnh vay vốn, xử lý vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo. Về phần mình, doanh nghiệp cũng cần có đánh giá về tình hình sản xuất - kinh doanh, khắc phục khó khăn, chứng minh khả năng quản trị dòng tiền…
 
“Với quy luật tín dụng tăng thấp những tháng đầu năm, tăng mạnh cuối năm, cộng với diễn biến kinh tế trong nước có dấu hiệu tích cực, tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12- 14% vẫn có thể đạt được”, bà Hồng hy vọng. 
 
Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, NHNN sẽ triển khai một loạt các gói tín dụng mới, như: gói 10.000 tỷ đồng cho ngư dân; gói 12.000 tỷ đồng cho cà phê, chương trình tín dụng 4 nhà (BIDV đang làm đầu mối liên kết với 8 ngân hàng)… Các gói tín dụng này có thể khiến tín dụng khởi sắc trong 6 tháng cuối năm.
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo