Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: “Thị trường vàng miếng đã ổn định”
Nghị định 24 đã phát huy hiệu quả rõ rệt
NHNN nhận được kiến nghị của cử tri TP. Hồ Chí Minh, do Ban Dân nguyện Quốc hội chuyển đến Kỳ họp thứ 6 (Quốc hội Khóa XIII), thuộc thẩm quyền giải quyết, xử lý của NHNN. Theo đó, cử tri phản ánh: Nghị định số 24/2012/NĐ - CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, đã tồn tại một số hạn chế như sau: các điểm giao dịch vàng do Nhà nước trực tiếp quản lý chưa được công bố rộng rãi, nhiều nơi chỉ làm việc giờ hành chính, không có sẵn vàng tại nơi giao dịch; giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN...
Tiếp đó, cử tri đề nghị: “Nhà nước cần nhanh chóng thay đổi chính sách quản lý kinh doanh vàng ở tầm vĩ mô phù hợp, ổn định đảm bảo cho sự phát triển bền vững, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN kinh doanh vàng hoạt động và phát triển”.
Trả lời những kiến nghị này, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã xây dựng lộ trình chấm dứt tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế gồm ba giai đoạn: Giai đoạn 1 là xây dựng khuôn khổ pháp lý chặt chẽ để quản lý thị trường vàng; Giai đoạn 2 là chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng và Giai đoạn 3 là chuyển hoàn toàn quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng sang quan hệ mua, bán vàng miếng. Nhà nước sẽ thực hiện huy động nguồn vốn bằng vàng thông qua việc mua vàng để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước và cung ứng vốn cho nền kinh tế.
Trong hai giai đoạn đầu thực hiện chủ trương chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, NHNN đã xây dựng, tham mưu và trình Chính phủ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, mà nòng cốt là Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 (Nghị định 24), về quản lý thị trường vàng.
Nghị định 24 được ban hành với các mục tiêu chính là: Tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng miếng, ngăn chặn ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; Nâng cao vai trò quản lý thị trường vàng của Nhà nước, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; Có giải pháp hợp lý để huy động nguồn lực vàng trong dân phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội; Công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân, DN; Quyền mua bán vàng miếng tại các TCTD, DN được Nhà nước cấp phép.
Sau khi Nghị định 24 được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, NHNN đã khẩn trương cụ thể hóa các quy định bằng các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 24. “Nhìn chung, kết quả thực tế triển khai cho thấy khuôn khổ pháp lý mới đối với thị trường vàng theo Nghị định 24 đã phát huy hiệu quả rõ rệt, đã khắc phục khá triệt để các bất cập của thị trường vàng giai đoạn trước và về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra” – Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, tạo khuôn khổ pháp lý chặt chẽ cho công tác quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ; đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Khi giá vàng thế giới ổn định, chênh lệch sẽ thu hẹp
Về mạng lưới mua bán vàng miếng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình thông tin thêm, trên cơ sở khuôn khổ pháp lý về quản lý thị trường vàng, NHNN đã quyết liệt triển khai các giải pháp đồng bộ, bao gồm: Thiết lập một mạng lưới mua, bán vàng miếng mới có tổ chức, có quản lý, gồm 22 TCTD và 16 DN đủ điều kiện được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng với gần 2.500 điểm giao dịch ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Mạng lưới các địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng được công bố công khai, rộng rãi trên trang tin điện tử chính thức của NHNN cũng như các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước băn khoăn của cử tri về việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế còn cao, Thống đốc Nguyễn Văn Bình phân tích: từ đầu năm 2013, đánh giá thực trạng mất cân đối về cung - cầu vàng miếng trên thị trường, NHNN đã khẩn trương xây dựng khuôn khổ pháp lý để triển khai giải pháp can thiệp bình ổn thị trường vàng thông qua hình thức đấu thầu bán vàng miếng nhằm tăng cung ra thị trường. Đây là biện pháp phù hợp nhất để đáp ứng nhu cầu mua vàng miếng của người dân, đồng thời đảm bảo người gửi vàng tại TCTD được chi trả vàng miếng đúng hạn.
Từ ngày 28/3/2013 đến 31/12/2013, NHNN đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, tổng khối lượng vàng miếng đã bán ra thị trường khoảng 68,24 tấn. Các TCTD đã sử dụng gần 30 tấn để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng, số còn lại được dùng để đáp ứng nhu cầu mua vàng miếng trên thị trường.
“Thông qua hoạt động đấu thầu bán vàng miếng, NHNN đã tạo nguồn cung ra thị trường vàng, giúp thu hẹp sự mất cân đối về cung cầu. Thị trường vàng miếng đã ổn định, không còn các cơn “sốt vàng” gây bất ổn xã hội, giá vàng trong nước có xu hướng giảm ngay cả khi giá vàng thế giới có biến động lớn và phức tạp, làm mất đi động lực đầu cơ, làm giá, tạo sóng kiếm lời của giới đầu cơ và do vậy góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế” – Thống đốc khẳng định và cho rằng, do các TCTD đã tất toán số dư huy động, cho vay vốn bằng vàng và biện pháp bán vàng can thiệp thị trường của NHNN cũng đã phát huy hiệu quả nên khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã thu hẹp dần. Khi giá vàng thế giới ổn định, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm quanh mức 2 triệu đồng/lượng.
NHNN nhận định: trong ngắn hạn, chính mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giúp cho thị trường vàng trong nước không bị chao đảo theo biến động của thị trường vàng thế giới. Việc này giúp ngăn ngừa tâm lý đầu cơ, do đó đã góp phần quan trọng để duy trì sự ổn định của tỷ giá, thị trường ngoại hối và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Về trung và dài hạn, trong điều kiện khuôn khổ pháp lý mới về thị trường vàng cùng với hoạt động can thiệp của NHNN, khi giá vàng thế giới ổn định, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới sẽ được thu hẹp.
Đối với vấn đề vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: trên cơ sở Nghị định 24/2012/NĐ-CP và Thông tư 22/2013/TT-BKHCN, để đáp ứng nhu cầu của người dân về vàng trang sức, đồng thời góp phần giảm áp lực đối với thị trường vàng miếng. NHNN đang tổng hợp, đánh giá thị trường và mạng lưới DN kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ trước khi thực hiện cấp phép nhập khẩu vàng nhằm đảm bảo vàng nguyên liệu được phép nhập khẩu, sử dụng đúng mục đích.
Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của DN, NHNN sẽ hướng dẫn và có các quy định cụ thể hơn để các TCTD xem xét cho vay vốn đối với các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, phục vụ nhu cầu vốn của DN, đồng thời đảm bảo quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đúng quy định của pháp luật.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)