Thu hồi nợ xấu: Ngân hàng "ngại" nhất khâu nào?
Trường hợp bất đắc dĩ, các ngân hàng mới chọn cách khởi kiện doanh nghiệp (DN) ra tòa để được xử lý tài sản thế chấp. Bởi thực tế, có nhiều rắc rối, tranh chấp phát sinh trong quá trình tố tụng, nhất là khâu thi hành án, sẽ kéo dài thời gian xử lý nợ và gây căng thẳng cho các bên liên quan.
Cưỡng chế thu tài sản đúng luật
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có Công văn số 92 báo cáo lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ kết quả xác minh, phân tích tính pháp lý trong vụ cưỡng chế thu giữ tài sản của Công ty CP đầu tư thương mại Việt Hưng. Đây là vụ xử lý nợ xấu gây ồn ào thời gian qua, khi bên chủ nợ - Chi nhánh Vietinbank Phú Thọ kiện đòi kê biên, phát mại tài sản thế chấp Nhà hàng Phù Đổng để thu hồi hơn 10,9 tỷ đồng nợ gốc.
Phía DN không đồng tình với việc định giá, bán đấu giá tài sản và cưỡng chế thu tài sản… với lý do: Quyết định số 16 công nhận thỏa thuận của đương sự (trong vụ án kiện đòi nợ) ban hành khi Công ty đã thay đổi người đại diện theo pháp luật mới. Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, yêu cầu tạm đình chỉ thi hành án để chờ kết quả giám đốc thẩm.
Như chúng tôi từng phản ánh, ngày 14/1/2014, cơ quan thi hành án vẫn tổ chức cưỡng chế, thu tài sản để giao cho Ngân hàng Vietinbank. Cơ quan này vận dụng các quy định pháp lý cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế, thu tài sản để giao cho người mua trúng đấu giá là Ngân hàng Vietinbank (đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, không có vi phạm). Việc cưỡng chế này tách bạch với quan hệ thi hành án theo Quyết định số 16.
Sau khi phân tích và đối chiếu quy định hiện hành, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ khẳng định: "Việc kê biên tài sản, thẩm định giá, bán đấu giá, cưỡng chế tài sản bán đấu giá thành công Nhà hàng Phù Đổng, để giao cho người mua tài sản của Chi cục thi hành án là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật hiện hành". Đáng lưu ý, trong 2 biên bản làm việc (ngày 20 và 22/11/2013) về phương án kê biên, bán đấu giá tài sản, thời điểm tổ chức, định giá trị…, đại diện Công ty là ông Nguyễn Minh Sơn vẫn tiếp tục ký, đóng dấu Công ty Việt Hưng với chức danh Chủ tịch HĐQT của Công ty, dù đã không còn là Chủ tịch kiêm Giám đốc từ lâu. Sự thiếu trung thực của ông Sơn cũng là nguyên nhân dẫn tới vi phạm tố tụng trong vụ án này.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ, việc tòa án thụ lý, xử lại vụ án này chỉ là sửa sai sót hình thức, thủ tục tố tụng, chứ không làm thay đổi bản chất và nội dung vụ án, đó là nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng của Công ty Việt Hưng.
Thu được tài sản của DN, Ngân hàng Vietinbank coi như đã "nắm đằng chuôi", song phía Chi nhánh Vietinbank Phú Thọ vẫn chưa hết việc. Hiện nay, cán bộ ngân hàng vẫn phải tiếp tục theo các phiên xét xử, chờ phán quyết cuối cùng của tòa án để được xử lý tài sản một cách hợp pháp, thu hồi nợ về.
Ngân hàng mệt mỏi
Suốt 2 năm trời theo đuổi vụ kiện, bà Nguyễn Thị Hồng Liên - Phó giám đốc Chi nhánh Vietinbank Phú Thọ không giấu sự mệt mỏi, căng thẳng. Sau nhiều buổi làm việc để có phương án trả nợ, DN cam kết trả, tự nguyện giao tài sản… nhưng cuối cùng, ngân hàng vẫn không thu được tiền, đành phải dùng biện pháp mạnh như vậy. "Chỉ một khoản nợ xấu này thôi mà ảnh hưởng đến cả Chi nhánh, các chi tiêu kinh doanh, thi đua khác…", bà Liên nói, chia sẻ khó khăn khi phải kiện đòi nợ DN.
Điều ít được tiết lộ là, dù thu giữ và bán thanh lý tài sản, nhưng thực tế, ngân hàng sẽ khó thu hồi đủ số nợ gốc và lãi vay suốt thời gian kiện tụng. Như trường hợp nêu trên, tài sản bán được 11,5 tỷ đồng, cao hơn khoản nợ gốc, song liệu có đủ bù đắp các chi phí phát sinh liên quan đến quá trình xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro…? Chưa kể, ngân hàng phải xem xét miễn một phần lãi phát sinh cho DN. Đó là thiệt hại mà ngân hàng sẽ phải gánh chịu.
Một trường hợp khác là Chi nhánh Ngân hàng Navibank Hải Phòng đã hợp vốn với ngân hàng khác cho một công ty ở Hải Dương vay 14,7 tỷ đồng đóng tàu Đông Phong. Nhiều năm trôi qua, con tàu đóng dở dang chưa kịp ra khơi, thì giám đốc DN biến mất. 2 ngân hàng phải khởi kiện ra tòa và rất vất vả mới thu giữ, thanh lý được tài sản. Tàu bán đi cũng chỉ thu hồi được hơn 6 tỷ đồng, phần hụt vốn còn lại, 2 ngân hàng phải chia nhau xử lý.
Trưởng phòng giao dịch của một ngân hàng thương mại chia sẻ, các DN chây ỳ không trả nợ là thách thức lớn với bộ phận xử lý, thu hồi nợ xấu. Một phần vì DN không còn tiền trả nợ, hàng hóa, nhà đất đều đã thế chấp hết…, nên ngân hàng chẳng biết "tóm" vào đâu để đòi nợ. Nhưng điều đáng sợ hơn, đến khi soi kỹ nợ xấu mới phát hiện có một số hợp đồng tín dụng có sự gian dối liên quan đến thẩm định tài sản, cho vay vượt thẩm quyền… Khi ấy, ngân hàng sẽ phải lặng lẽ "xử lý nội bộ", chấp nhận thiệt hại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu