Phân tích

Thủ tướng khuyên doanh nghiệp, người dân trau dồi tiếng Anh để hội nhập

(DNVN) - Để hội nhập thành công, doanh nghiệp và người dân đều cần trau dồi các kỹ năng liên kết với doanh nghiệp, người tiêu dùng ASEAN, chẳng hạn như khả năng sử dụng ngôn ngữ quốc tế tiếng Anh...

Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Thúy (đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng) về giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động tránh rủi ro khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN, thị trường ASEAN trở thành thị trường chung hàng hóa doanh nghiệp, lao động các nước ASEAN tự do vào Việt Nam từ ngày 31/12/2016.

Tại văn bản trả lời, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thực chất được xây dựng trên nền tảng CEPT/AFTA. Đây là một tiến trình hội nhập kinh tế lâu dài, với thời gian 20 năm đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, ngay từ khi gia nhập, Chính phủ đã đàm phán để Việt Nam được hưởng linh hoạt kéo dài lộ trình cam kết, như duy trì hàng rào thuế quan đối với một số mặt hàng nhạy cảm (xăng dầu, thuốc lá...) đến năm 2018 để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, trong khi các nước ASEAN-6 đã cơ bản hoàn tất lộ trình vào năm 2010 với mức độ tự do hóa tới 99% biểu thuế của các nước này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Điều quan trọng đối với Chính phủ là đảm bảo lợi ích về tổng thể cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tăng cường tận dụng cơ hội hay đối phó hiệu quả với thách thức đặt ra.

Do vậy, Chính phủ đã triển khai Chương trình hành động đối với việc tham gia ASEAN và các cam kết hội nhập khu vực. Các cam kết của Việt Nam khi tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN hầu hết trong khuôn khổ pháp lý của Việt Nam, không làm phát sinh thay đổi hiện trạng, theo đó, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ đã ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện. Các cam kết về thuế được thực thi bằng các Thông tư của Bộ Tài chính về thuế suất và Thông tư của Bộ Công Thương về quy tắc xuất xứ.

Thủ tướng cũng cho biết, để phổ biến về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Chính phủ đã có chương trình truyền thông được triển khai từ năm 2010 đến nay, cung cấp nhiều ấn phẩm, tài liệu tham khảo; tổ chức hội thảo liên tục hàng năm ở các tỉnh, thành phố trên cả ba miền đất nước để cập nhật thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương.

Ngoài ra, để tăng cường năng lực trong nước nhằm vận dụng các cơ hội của hội nhập kinh tế, Chính phủ đã triển khai các nhóm giải pháp ở nhiều phương diện. 

Cụ thể, mhóm giải pháp về phát triển thị trường và thương hiệu (mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, ngành, quốc gia); nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh (như chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ, phân tán sang lớn, tập trung, từ gia công sang các công đoạn có giá trị cao hơn); nhóm giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp (xúc tiến thương mại, nghiên cứu và dự báo thị trường, đổi mới công nghệ, bảo vệ thương hiệu, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh); nhóm giải pháp tăng cường vai trò hỗ trợ và liên kết của các hiệp hội ngành hàng.

 

Theo Thủ tướng Chính phủ, để đối phó với các thách thức và tác động tiêu cực, nhìn nhận thẳng thắn một số yếu kém trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam, Chính phủ đã triển khai các biện pháp quản lý nhập khẩu với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhưng vẫn phù hợp với các cam kết quốc tế. 

Các nhóm biện pháp được Thủ tướng Chỉnh phủ chỉ ra như: Biện pháp về thuế (chuyển đổi từ các biện pháp thuế nhập khẩu sang các biện pháp thuế nội địa phù hợp); biện pháp cấm nhập khẩu vì mục tiêu an ninh quốc gia, an toàn môi trường, an toàn lao động, sức khỏe con người, động thực vật; giấy phép nhập khẩu (gồm giấy phép nhập khẩu tự động và giấy phép nhập khẩu của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành); hạn ngạch thuế quan; danh mục hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu hay các mặt hàng kiểm soát vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ (ô tô), chống việc nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng và tăng cường chống gian lận thương mại (rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động, thuốc lá điếu, xì gà); chính sách tỷ giá (chế độ neo tỷ giá điều chỉnh dần); các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ); các biện pháp kỹ thuật chuyên ngành (quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xuất xứ hàng hóa...).

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp và người dân cần có sự chủ động chuẩn bị và phối hợp với Chính phủ như chủ động tiếp cận thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã đăng tải trên trang thông tin điện tử của các cơ quan Chính phủ liên quan, bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan ngang Bộ tham gia công tác Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đồng thời tích cực nắm bắt các chính sách, biện pháp trong nước của Chính phủ nhằm tận dụng sự hỗ trợ về đầu tư, kinh doanh và phát triển phù hợp với định hướng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng trong sản xuất của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy về sản xuất, tiêu dùng. Cộng đồng Kinh tế ASEAN là một thị trường cũng như cơ sở sản xuất nên mọi hoạt động sản xuất, tiêu dùng cần nhìn rộng ở tầm khu vực ASEAN và Đông Á. Do đó, doanh nghiệp và người dân đều cần trau dồi các kỹ năng liên kết với doanh nghiệp, người tiêu dùng ASEAN, chẳng hạn như khả năng sử dụng ngôn ngữ quốc tế tiếng Anh, các loại hình công nghệ thông tin để giao dịch, tăng cường các hoạt động giao lưu thương mại - văn hóa trong khu vực.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo