Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều"
Sáng 30/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017. Tại phiên họp, một vấn đề "nóng" nhưng tồn tại rất lâu dài là cải cách thủ tục hành chính được người đứng đầu Chính phủ nêu ra.
Thủ tướng cho rằng, mặc dù thời gian qua các cấp, các ngành đã tập trung cải cách thủ tục hành chính, nhưng giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều.
“Nhiều doanh nghiệp phản ánh chu kỳ sản phẩm sản xuất ra đã vất vả rồi nhưng thủ tục để đưa vào tiêu thụ, xuất khẩu còn phức tạp hơn. Có ý kiến nói rằng là nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”, Thủ tướng nói và yêu cầu tập trung tháo gỡ thủ tục, nhất là xử lý giải quyết giấy phép con, giấy phép cháu.
Vấn đề cải cách thủ tục hành chính đã nói nhiều lần trong năm qua, đặc biệt tháng 7, đã đề cập rất quyết liệt vấn đề này nhưng mới giảm được một phần, còn nhiều phần, nhiều ngành, đơn vị chưa chuyển biến, Thủ tướng trăn trở và đề nghị các Bộ trưởng đề xuất giải pháp cụ thể, phải thực sự vào cuộc để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, tạo niềm tin xã hội, góp phần vào tăng trưởng.
Bên cạnh đó, gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn, một số phí như phí BOT còn cao, đặt trạm thu phí còn bất hợp lý, gây bức xúc. Theo thống kê, tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng lên tới 70 loại. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ; Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT để có giải pháp giải quyết, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Ngoài ra, chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn lớn, với tỷ lệ lô hàng kiểm tra chuyên ngành lên tới 30%. Mục tiêu đặt ra phải giảm còn 15% nhưng một số bộ, ngành chuyển biến còn chậm.
“Vấn đề này cũng cần đặt ra để chúng ta thảo luận”, Thủ tướng nói. Quy định thủ tục hành chính về hải quan, hoàn thuế VAT, thời gian và chi phí nộp bảo hiểm xã hội còn cao. Thủ tướng dẫn chứng báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết doanh nghiệp Việt Nam nộp bảo hiểm xã hội mất 189 giờ, trong khi Thái Lan chỉ mất 48 giờ, Indonesia mất 56 giờ.
Tại phiên họp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các thành viên tập trung làm rõ, tìm giải pháp cho các vấn đề nêu trên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo