Doanh nghiệp - Doanh nhân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để trí tuệ Việt Nam thua kém trên sân nhà

(DNVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng sứ mệnh lớn nhất của Viện trước hết là làm sao không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà.

Theo tin từ Văn phòng Chính phủ, sáng 27/12, phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cáo các kết quả của VAST đã đạt được trong những năm vừa qua.

Thủ tướng đánh giá, số nghiên cứu của Viện được đăng trên các tạp chí quốc tế tăng từ 15-20% là sự tiến bộ lớn. Viện đã chủ trì nghiên cứu xác định nguyên nhân cá chết tại các tỉnh miền Trung, xác định cơ sở khoa học góp phần chứng minh các sai phạm của Formosa Hà Tĩnh. Nhiều nghiên cứu đã đóng góp vào những vấn đề nóng, những sự cố ở các vùng miền, với đời sống kinh tế-xã hội.

Trong 30 năm đổi mới, các thế hệ nhà khoa học của Viện có nhiều đóng góp vào những thành tựu KHCN Việt Nam, đem về vinh quang cho Tổ quốc và nền khoa học nước nhà, trong đó, Thủ tướng nêu 3 nhà khoa học nổi tiếng của Viện là Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa; Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu; Giáo sư, Viện sĩ Đặng Vũ Minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP.

“Tôi tin tưởng rằng sứ mệnh lớn nhất của VAST trước hết là làm sao không để trí tuệ và nền khoa học Việt Nam thua kém trên sân nhà, để từ đó chúng ta có thể hội nhập vào chuỗi giá trị tri thức toàn cầu một cách chủ động với tinh thần khai phóng, phát huy cao độ lòng tự tôn dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, Thủ tướng nêu rõ.

Vì vậy, đã đến lúc Viện cũng như các cơ quan nghiên cứu khoa học trên cả nước cần nhìn lại, suy ngẫm và hành động theo tinh thần, quan điểm nổi tiếng của một nhà lý luận, nhà khoa học với bề dày hoạt động thực tiễn, đó là cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.

Trước các ý kiến cho rằng, nền khoa học Việt Nam vừa yếu, vừa thiếu, Thủ tướng nhấn mạnh, “điều đó đòi hỏi chúng ta nhìn thẳng vào các thành quả và các tác động thực tiễn của KHCN Việt Nam trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước”. “Thiếu ở đây chắc hẳn là thiếu thể chế, cơ chế quản lý phù hợp, thiếu vốn đầu tư chỉ là thứ yếu. Yếu ở đây chắc hẳn là có yếu tố con người, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, các nhà kỹ thuật của chúng ta đông, nhưng các kết quả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng còn khiêm tốn, kể cả tư vấn chính sách”.

Việc nhiều nhà sản xuất đứng trước các vấn đề liên quan đến công nghệ, cải tiến thiết bị, chủ yếu là tìm đến các nhà sản xuất và đơn vị tư vấn nước ngoài là một thực tế cần suy nghĩ, là thách thức và yêu cầu mà các nhà khoa học cần khắc phục, rút kinh nghiệm.

Thủ tướng cho rằng, không ít đề tài nghiên cứu còn nặng tính lý thuyết, chỉ góp phần làm dày thêm các tủ lưu trữ tại các thư viện lớn. Nghiên cứu là cần thiết, nhưng không gắn với thực tế, không đáp ứng yêu cầu của thực tế thì tự mình thua trên sân nhà. Chúng ta cứ mải mê nghiên cứu những vấn đề cao siêu, mà không lưu ý những vấn đề đơn giản của thực tế để đứng nhìn các doanh nghiệp Việt Nam phải chi trả những khoản tiền lớn cho nước ngoài, cho những vấn đề mà không phải trong nước không giải quyết được.

 

“Các nhà khoa học Việt Nam có thể là các nhà khoa học tốt, nhưng chưa chắc là các nhà tư vấn tốt”, Thủ tướng bày tỏ. Đây là vấn đề cần thay đổi tư duy, kỹ năng và cả văn hóa làm việc để bắt kịp thực tế, cũng như thích ứng với cơ chế thị trường.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo