Thị trường

Tiềm năng của thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam

Thị trường bán buôn của các ngân hàng dường như đang bão hòa, khi khối doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Tuy nhiên, thị trường ngân hàng bán lẻ lại cực kỳ sôi động, mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

LienVietPostBank đầu tư tới 40% vốn vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Đức Thanh

Thị trường vẫn thiếu ngân hàng

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, áp lực cạnh tranh trên thị trường ngân hàng nói chung và trong lĩnh vực bán lẻ nói riêng đang ngày càng lớn. Chính vì vậy, các ngân hàng cần mở rộng phạm vi hoạt động sang nhiều lĩnh vực, đa dạng hóa sản phẩm, nhằm khai thác các cơ hội kinh doanh mới.

Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nhận định: “Ngân hàng chủ yếu bán buôn có thể chết rất nhanh, nhưng ngân hàng bán lẻ, góp nhỏ thành to, thì ổn định và bền vững hơn".

Theo ông Hưởng, hiện cả nước có tới 90 triệu dân, mà mới có 10 triệu tài khoản ngân hàng. Thị trường còn mênh mông, không chỉ ở nông thôn, mà ở thành phố, dư địa thị trường vẫn còn rất lớn. Nhiều người cho rằng, hiện ở các thành phố lớn đã có quá nhiều ngân hàng, nhưng thấy vẫn còn thiếu. Đơn cử, tại Hà Nội, khi vào chợ Đồng Xuân hỏi, hầu hết tiểu thương cho biết, họ vay vốn ngoài hệ thống ngân hàng cho nhanh và dễ.

"Tôi tin rằng, dù có thành lập thêm ngân hàng nữa, thì cũng không lo thiếu thị trường”, ông Hưởng tự tin.

Theo các chuyên gia ngân hàng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện để đẩy mạnh thị trường ngân hàng bán lẻ.

Thứ nhất, nước ta có dân số đông, trong đó, hơn 50% thuộc độ tuổi lao động.

Thứ hai, trình độ dân trí và thu nhập của người dân ngày càng nâng cao, trình độ công nghệ phát triển.

Thứ ba, số lượng người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng còn ít.

Thứ tư, xu hướng tiêu dùng dựa trên vốn vay ngân hàng ngày càng lan rộng.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam, từ lâu, khối ngân hàng ngoại đã nhảy vào cạnh tranh trong lĩnh vực này. Nếu không xây dựng chiến lược sớm, ngân hàng nội có thể lép vế.

“Đã đến lúc, các ngân hàng nội địa không thể đứng yên để tận hưởng lợi thế sân nhà, mà cần xác định phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược phát triển của mình và vạch ra những bước đi thích hợp nhằm thu hút khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường”, ông Trần Thanh Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OceanBank khuyến cáo.

Chạy đua tìm thị trường ngách

Dù thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam còn rất rộng mở, song để giành được miếng bánh thị phần, các ngân hàng cũng phải lựa chọn được đối tượng khách hàng, thị trường ngách cho mình dựa trên lợi thế cạnh tranh.

Hiện nay, sản phẩm bán lẻ được nhiều ngân hàng hướng tới là cho vay tiêu dùng, nhất là cho vay mua nhà, mua ô tô. Bên cạnh đó, một số ngân hàng còn cho vay mua hàng nội thất, gia dụng, cho vay hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số ngân hàng còn bắt tay hoặc sáp nhập công ty tài chính để mở rộng cho vay tiêu dùng.

Ngoài ra, một thị trường ngách nữa ít được các ngân hàng để ý là dịch vụ ngân hàng phục vụ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Hiện tại, Agribank và LienVietPostBank là các ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên thâm nhập thị trường ngách này.

“LienVietPostBank đang đầu tư 40% vốn vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của chúng tôi cho thấy, nợ xấu lĩnh vực này rất thấp, riêng năm 2013, không có khoản nợ xấu nào. Trong khi đó, nếu cứ bơm vốn ở các thành phố lớn, thì nguy cơ rủi ro rất cao”, ông Nguyễn Đức Hưởng cho biết.

Chia sẻ hướng đi của LienVietPostBank, Phó thống đốc Nguyễn Toàn Thắng cũng cho rằng, 2/3 dân số Việt Nam tập trung ở nông thôn, nơi tỷ lệ sử dụng tài khoản ngân hàng còn rất thấp. Đây là thách thức, song cũng là cơ hội cho các ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam. Vì vậy, Phó thống đốc khuyến khích các ngân hàng tăng thị phần bán lẻ của mình bằng cách hướng về thị trường nông thôn.

Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo