Thị trường

Tìm “danh phận” cho cây ca cao: Tận dụng “cơ hội vàng”

Dù số lượng ít nhưng ca cao trồng ở Việt Nam có hương vị thơm ngon nên rất nhiều “ông lớn” trong ngành hàng chế biến thực phẩm đang nhòm ngó vùng nguyên liệu của nước ta.

Phơi hạt ca cao trong nhà kính tại Nhà máy sơ chế ca cao Puratos Grand-Place Việt Nam (Bến Tre).

1kg cũng mua

Khác với cà phê, tuy xuất khẩu nhiều nhưng luôn bị đánh giá thấp về chất lượng, thường bị trừ lùi khi giao dịch..., sản phẩm ca cao có xuất xứ từ Việt Nam (VN) được các công ty thu mua đánh giá cao nhất châu Á do được lên men đúng quy trình, rất thích hợp để chế biến thành sôcôla nguyên chất. Tại thị trường giao dịch London, ca cao VN đạt chứng nhận UTZ luôn được cộng thưởng.

Ông Đinh Hải Lâm - Giám đốc Phát triển ca cao VN của Công ty Mars Incoporated nhận định: Sản lượng ca cao thế giới gần như không tăng trong 4-5 năm qua, trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng từ 2-3%/năm nên ngành chế biến ca cao thường xuyên bị thiếu hụt nguyên liệu. Dự báo sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn vào năm 2020, do đó tiềm năng phát triển ca cao của VN rất dồi dào.

Phải thừa nhận là từ khi có sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài, thị trường tiêu thụ ca cao ở nước ta sôi động hẳn lên, bà con nông dân cũng hào hứng mở rộng diện tích và sẵn sàng làm quen với kỹ thuật mới.

Ông Huỳnh Quốc Thích - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đăk Lăk cho biết: Ngay từ đầu, ca cao đã được nhiều tổ chức quốc tế như ACDI/VOCA, Success Aliance… tư vấn về giống, kỹ thuật, giúp bà con hình thành thói quen lên men ca cao sau khi thu hoạch để tăng giá trị sản phẩm.

Gần đây, Chính phủ Hà Lan đã tham gia tài trợ cho Dự án Hợp tác công - tư tăng cường phát triển ca cao bền vững tại VN (PPP), ngoài ra còn có sự giúp sức nhiệt tình của một số tổ chức như Helvetas, Oxfam, JICA, AID... Đặc biệt, với việc khánh thành Nhà máy sơ chế ca cao Puratos Grand-Place VN tại Bến Tre vào hồi tháng 11.2013, công suất thiết kế 1.000 tấn/năm đã góp phần hoàn chỉnh thêm hệ thống thu mua ca cao tại VN, giúp bà con yên tâm hơn với cây trồng này.

Ông Raphael Audoin Rouzeau – Giám đốc và quản lý thu mua của Nhà máy Puratos VN cho biết: “Sản phẩm của nhà máy mới được trao chứng nhận giải thưởng ca cao tốt nhất châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một phần của chương trình ca cao xuất sắc (cocoa of excellence) và nguồn nguyên liệu đoạt giải thưởng này được mua từ những vườn ca cao ở Bến Tre. Hiện mỗi ngày nhà máy thu mua 10 – 20 tấn. Do thiếu nguyên liệu nên kể cả bà con bán 1kg ca cao, chúng tôi cũng mua”.

Ông Nguyễn Vĩnh Thành – Giám đốc ngành hàng ca cao (Tập đoàn Cargill VN) cho biết: Bỉ là nơi chế biến sôcôla lớn nhất thế giới, vì vậy, việc các Công ty Puratos và Grand-Place (đều từ Bỉ) thành lập liên doanh Puratos Grand-Place VN đã cho thấy họ có lý do để quan tâm và đầu tư vào cây ca cao ở nước ta. Để có được những hạt ca cao nguyên liệu tốt nhất, các doanh nghiệp đều sẵn sang đứng ra hỗ trợ nông dân từ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến sơ chế hạt ca cao.

Kiểm soát chất lượng ngay từ đầu

Tuy yêu cầu kỹ thuật cao, nhưng với những “bệ đỡ” chắc chắn từ chính sách, thị trường tiêu thụ ngày càng sôi động, hầu hết nông dân trồng ca cao ở Tây Nguyên, ĐBSCL đều tin tưởng loại cây này sẽ mang lại “luồng gió mới” cho cuộc sống của họ. Tại những nông hộ chúng tôi tới tham quan, bà con chăm sóc vườn cây rất khoa học, có hộ năng suất bình quân đạt trên 3kg hạt khô/cây. Đặc biệt, các hộ rất thành thạo kỹ thuật lên men, hạt ca cao được phơi trên giàn cao (khác hẳn với cà phê vẫn thường phơi ven đường quốc lộ, nền đất đầy cát và bụi bẩn).

Ông Thích chia sẻ: Vấn đề kiểm soát chất lượng ca cao đã được chú trọng ngay từ đầu, chứ không như cà phê “thả gà rồi mới làm chuồng”. Tại các trung tâm thu mua đều có phòng cảm quan đánh giá chất lượng sản phẩm, mỗi lô hàng xuất khẩu đều được giám định cẩn thận. Theo đó, ca cao VN đã được ban hành tiêu chuẩn chất lượng từ rất sớm (TCVN/TC/F16/SC2 năm 2005); hơn một nửa sản lượng đã đạt chứng nhận UTZ.

Ông Nguyễn Bá Dũng - chuyên viên tư vấn Dự án PPP cho biết: Khác với cà phê, nông dân trồng ca cao được hướng dẫn phải tuân thủ chặt chẽ kỹ thuật ngay từ đầu, giúp họ hình thành thói quen ghi chép, theo dõi lịch bón phân, tình hình sâu bệnh…

“PPP đã xây dựng thành công Trung tâm Phát triển ca cao tại Đăk Lăk. Đây là cầu nối giữa doanh nghiệp, hội viên, nông dân và Nhà nước, nhằm đạt mục tiêu đảm bảo sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị “nông dân – điểm sơ chế - doanh nghiệp”. PPP cũng đã cung cấp 36 bộ tài liệu cho các điểm thu mua, giúp bà con dễ dàng tiếp cận với cây ca cao” – ông Dũng cho biết thêm.

Theo Cục Trồng trọt, cây ca cao đang được đề nghị đưa vào đối tượng cây trồng ưu tiên trong đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt và sẽ được hưởng các chính sách như cà phê tái canh. Cụ thể là hỗ trợ giống trồng mới, tái canh; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xúc tiến thương mại; bảo quản và dự trữ; liên kết theo chuỗi giá trị; các chính sách về thuế…
 

Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo