7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam "liên thủ" đào tạo kỹ sư chuyên sâu nghề nghiệp
Hơn 3.000 người chết vì tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2020 / Thí sinh phải đối mặt với "chất lượng chọi' rất cao để vào lớp 10 trường chuyên Hà nội
7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam "liên thủ" đào tạo kỹ sư chuyên sâu nghề nghiệp.
Ngày 27/6, tại thành phố Đà Nẵng, lần đầu tiên 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam cùng ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo kỹ sư.
Lễ ký kết công bố chung diễn ra có sự tham gia của 7 trường đại học trong khối kỹ thuật gồm: Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng); Đại học Xây dựng; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh); Đại học Giao thông Vận tải; Đại học Thuỷ Lợi; trường Đại học Mỏ-Địa chất.
Theo bản công bố chung, các trường tham gia ký kết sẽ hợp tác đề xuất xây dựng chuẩn chương trình chung phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời xây dựng và công bố lộ trình thực hiện phù hợp với đặc thù của mỗi trường. Chương trình đào tạo mới cũng có thể được áp dụng cho các khóa đã nhập học, tùy điều kiện thực tế từng trường và nguyện vọng của sinh viên.
Các chương trình đào tạo sẽ được tổ chức theo hai mô hình chính: Mô hình đào tạo với một chương trình tích hợp Cử nhân-Kỹ sư cho cùng một ngành, cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư cho người tốt nghiệp (chương trình toàn khoá được thiết kế cho thời gian đào tạo 5 năm hoặc 5,5 năm); mô hình đào tạo 2 giai đoạn với 2 chương trình tương ứng với hai trình độ Cử nhân và Kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần, cấp bằng Cử nhân và Kỹ sư sau khi kết thúc từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo Kỹ sư sẽ được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức, đảm bảo tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia. Với khối lượng kiến thức toàn khóa tối thiểu là 180 tín chỉ và chất lượng đào tạo được chuẩn hoá, người tốt nghiệp có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng Kỹ sư và Thạc sĩ.
Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) Đoàn Quang Vinh cho biết, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, đây là sự kết hợp rất cần thiết để sinh viên có cách tiếp cận sâu rộng và toàn diện hơn. Việc thống nhất chuẩn mực cho các chương trình đào tạo Kỹ sư được cho là một tín hiệu đáng mừng đối với cả người học và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng có thể tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao nhờ các chương trình hợp tác trong quá trình đào tạo của các trường đại học trong khối ngành kỹ thuật.
Ông Đoàn Quang Vinh nhận định, sự liên kết này là hướng đi tiên phong nhằm nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Việc xây dựng tiêu chuẩn chung cho các chương trình đào tạo Kỹ sư không chỉ có ý nghĩa trong nước, mà còn đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế, khi giá trị văn bằng Kỹ sư truyền thống được chuẩn hoá và nâng cao.
PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: "Việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo kỹ sư "mới" với chuẩn chương trình đảm bảo tương đương với trình độ thạc sĩ và đạt bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Trường chúng tôi về xây dựng trường đại học sáng tạo, tiên phong và chủ động hội nhập quốc tế, đồng thời đáp ứng nhu cầu khoa học kỹ thuật của quốc gia, phù hợp với định hướng phát triển của đất nước.
Dự kiến chương trình đào tạo kỹ sư mới sẽ chính thức áp dụng từ khóa đào tạo năm 2021, tuy nhiên, Trường ĐH Bách Khoa-ĐH Quốc gia TP.HCM đang lấy ý kiến các bên liên quan và tham khảo mô hình các trường bạn quốc tế và trong nước để có thể áp dụng cho các khoá đã nhập học từ năm 2019".
Năm 2019, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 27/2019 quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2020 dựa trên luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018.
Theo Nghị định 99/2019 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật này, các văn bằng chuyên sâu đặc thù, trong đó có bằng kỹ sư, cần có chương trình với khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên (đối với người đã tốt nghiệp THPT và tương đương) hoặc từ 30 tín chỉ trở lên (với người đã tốt nghiệp trình độ ĐH).
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước