Cần Thơ: Thầy cô tận tâm hỗ trợ học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến
Hà Nội: Bỡ ngỡ buổi học trực tuyến đầu tiên của học sinh lớp 1 / Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị tăng băng thông, giảm giá cước internet cho học sinh học trực tuyến
Năm học 2021 - 2022 chắc hẳn là một năm học khá đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên nhiều trường không thể đón học sinh đến trường học trực tiếp. Trong khi đó, việc học online đối với một số học sinh có điều kiện khó khăn thì khó có thể đáp ứng được. Nhận thấy điều đó, các thầy cô của trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh đã sáng tạo ra nhiều cách làm để tạo mọi điều kiện học tập cho các em học sinh.
Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh tổng cộng có 812 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 đang học tập với hình thức trực tuyến (học qua laptop hoặc điện thoại thông minh). Trong đó, đến thời điểm này còn khoảng 52 em của trường thuộc gia đình khó khăn nên chưa đáp ứng được thiết bị học tập cho việc học online.
Trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh hiện có 812 học sinh, trong đó, 52 em chưa có thiết bị học tập trực tuyến.
Để hỗ trợ tối đa cho học sinh, các thầy cô giáo của trường đã phân loại điều kiện của từng bạn và đưa ra những giải pháp khác nhau. Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh, mỗi học sinh sẽ có những khó khăn riêng, đối với những bạn có thiết bị học tập nhưng lại khó khăn về vấn đề WiFi cũng như về dung lượng Internet thì nhà trường đã phối hợp với VNPT Vĩnh Thạnh để tặng cho các em những thẻ SIM VinaPhone miễn phí, mỗi ngày 2 GB và thời gian khuyến mãi trong vòng 60 ngày, tổng giá trị hỗ trợ cho mỗi học sinh là 230.000 đồng.
Đối với học sinh không có phương tiện thiết bị nhưng lại có bạn học cùng khối gần nhà thì nhà trường cũng đã phối hợp với cha mẹ học sinh để ghép 2 bạn dùng chung thiết bị và học cùng với nhau chung một nhóm. Hiện, trường đã ghép được 6 nhóm để các em dễ dàng trao đổi kiến thức với nhau.
Do Vĩnh Thạnh là 1 trong 4 huyện của TP Cần Thơ đang thực hiện Chỉ thị 15, các em được di chuyển trong khu vực. Vì vậy, phương pháp học nhóm 2 người được các thầy cô áp dụng.
Em Bùi Đăng Khoa, học sinh lớp 9A4, trường THCS Vĩnh Thạnh cho biết: "Gia đình em không đủ điều kiện để mua điện thoại học online nên cô liên hệ với bạn cho em lại học cùng. Hằng ngày em phải đi 2km đến nhà bạn bằng xe đạp, tuy mệt nhưng cũng rất vui vì có bạn cùng học, em vừa đỡ buồn và vừa có thể chia sẻ được kiến thức với bạn. Do đó, quá trình học sẽ dễ hiểu hơn cho chúng em”.
Giáo viên bộ môn biên soạn tài liệu để gửi đến tận nhà cho học sinh không có thiết bị học tập trực tuyến.
Ngoài ra, đối với học sinh không có thiết bị học tập và không đi lại được, trường hợp đặc biệt này phía Nhà trường sẽ chỉ đạo yêu cầu giáo viên bộ môn soạn lại bài giảng cô đọng nhất các kiến thức trọng tâm của nội dung bài học, sau đó gửi đến thầy Hiệu phó chuyên môn xem lại và thẩm định nội dung.
Thầy phó hiệu trưởng sẽ kiểm tra tài liệu và đóng vào túi.
Cuối cùng là in tài liệu và đóng gói gửi cho Viettel Post (do trường hợp đồng) vận chuyển nội dung học tập đến tận nhà cho các em. Sau mỗi tuần, bộ phận giao nhận sẽ đến nhà học sinh để lấy lại những bài tập, những phần việc mà thầy cô yêu cầu và gửi lại cho bộ phận chuyên môn của nhà trường. Các giáo viên bộ môn dựa vào đó để tiến hành theo dõi quá trình học tập của học sinh. Chi phí giao nhận tài liệu nhà trường sẽ hỗ trợ tối đa cho học sinh.
Mỗi tuần nhà trường sẽ giao tài liệu cho nhân viên giao nhận hàng để gửi đến nhà cho học sinh.
“Đa phần những em học sinh không có phương tiện thiết bị học tập thì hoàn cảnh gia đình cũng rất khó khăn, vì thế nhà trường đã xin chủ trương của phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Vĩnh Thạnh sẽ trích một phần kinh phí của Nhà trường để chi trả phí vận chuyển bài của Viettel Post. Do đó, phía phụ huynh và học sinh không phải trả thêm bất cứ khoảng phí nào”, ông Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng trường THCS Vĩnh Thạnh nói.
Gia đình khó khăn, cha mẹ không đủ tiền mua thiết bị học tập online nên em Nguyễn Thị Diễm Phương (ấp Vĩnh Quế, xã Vĩnh Thạnh, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) học sinh lớp 6 trường THCS thị trấn Vĩnh Thạnh phải tự học những tài liệu mà thầy cô gửi đến tận nhà. Diễm Phương chia sẻ, “Mỗi tuần thầy cô đều gửi bài học đến nhà cho em, những bài mà em không hiểu thì thầy cô cũng lại tới nhà để giảng lại. Em rất mừng vì được các thầy cô quan tâm."
Cô Trương Ngọc Bích (giáo viên bộ môn Toán phụ trách lớp 6 và 9 trường THCS Vĩnh Thạnh) cho biết, “đối với các em học sinh lớp 6, do mới chuyển cấp nên nếu chỉ giao tài liệu và bài tập thì các em sẽ không hiểu. Vì vậy khi học sinh cần thì giáo viên chúng tôi sẽ đến tận nhà để giảng về lý thuyết, đồng thời giải thích cận kẽ những ví dụ và giao bài tập cho các em.” Để quá trình tự học của học sinh dễ dàng và dễ hiểu hơn thì việc soạn giáo án cũng phức tạp hơn so với lúc giảng dạy trực tiếp. Theo cô Bích, giáo viên bộ môn sẽ tóm gọn kiến thức lý thuyết trong sách giáo khoa một cách trọng tâm nhất, đồng thời phải giải thích chi tiết hơn những bài tập ví dụ, rồi từ đó làm cơ sở để giao cho học sinh những bài tập tương tự.
Nếu học sinh có vướng mắc, giáo viên sẽ tranh thủ đến tận nhà để chỉ dẫn.
Đối với những học sinh học theo phương pháp này, các em sẽ không thể cập nhật đầy đủ kiến thức nội dung bài học. Vì vậy, nhà trường đã đề ra kế hoạch sẽ bố trí những lớp học riêng và phân công giáo viên bổ túc, cập nhật lại những kiến thức mà học sinh còn thiếu để theo kịp những học sinh đã tham gia học trực tuyến đầy đủ. Kế hoạch này sẽ được thực hiện sau khi tình hình dịch bệnh ổn định trở lại và các em được đến trường theo quy định của địa phương.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, hiện nay các trường THCS có số lượng học sinh không có thiết bị học trực tuyến cao hơn trường THPT. Vì đa số học sinh từ lớp 10 đến 12 cơ bản đã có trang bị sẵn điện thoại, laptop. Còn đối với học sinh THCS vì nhỏ tuổi nên nhiều em chưa được gia đình trang bị sẵn những thiết bị này.
Tuy vậy, “do một số nơi thuộc vùng sâu vùng xa chưa vận động được thiết bị, nên chúng tôi sẽ yêu cầu các trường thực hiện phương án mang tài liệu chuyển đến tận nhà cho học sinh. Tuy phương án này mất thời gian và không khả thi, nhưng thời điểm này phải giải quyết tạm thời cho các em. Trong thời gian đó, chúng tôi cũng đang đề nghị các công ty kinh doanh điện thoại có chính sách trợ giá, giảm giá và đồng thời cũng vận động kinh phí hỗ trợ từ mạnh thường quân”, ông Nghĩa cho hay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hà Nội là địa phương dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2024
Rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm
Ngành dệt may trước kỷ nguyên mới - Bài cuối: Thích ứng, vượt thách thức
Trao Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ VII
Thủ tướng Chính phủ: Đà Nẵng nghiên cứu, sớm triển khai hoạt động lấn biển
Từ 1/1/2025 chính thức đổi khung giờ bắt buộc bật đèn xe, ai cũng phải biết kẻo bị phạt tiền