Những nước đáp ứng tiêu chí vùng an toàn 30 ngày không có ca nhiễm mới
Thêm 6 ca khỏi bệnh, Việt Nam chữa thành công 95% ca mắc COVID-19 / Người lao động cần làm gì khi doanh nghiệp không trả sổ bảo hiểm?
Ngày 9/6/2020, Thủ tướng chính phủ đã yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid–19 công bố các vùng an toàn trong 30 ngày qua không có ca nhiễm coronavirus mới để mở lại đường bay quốc tế. Với ngành hàng không, du lịch và những doanh nghiệp, cá nhân phụ thuộc vào nguồn khách quốc tế, đây được coi là tín hiệu tốt cho sự phục hồi. Tuy nhiên, với thực tế dịch bệnh trên thế giới, tiêu chí “vùng an toàn” – 30 ngày liên tục không có ca nhiễm mới – sẽ khiến sự phục hồi lượng khách quốc tế đến Việt Nam khó khăn hơn, chậm hơn (nhưng an toàn hơn) và mong manh hơn.
Hiện nay, nếu sử dụng tiêu chí 30 ngày liên tục không có ca nhiễm mới để mở lại đường bay, có rất ít nước có thể đáp ứng tiêu chuẩn này của Việt Nam ngay lập tức. Theo số liệu thống kê trên trang Our World in Data, chỉ có khoảng 10 nước có thể đáp ứng tiêu chí của Việt Nam ngay lập tức. Đa phần là các nước nhỏ, có rất ít đóng góp cho nguồn khách quốc tế đến Việt Nam.
Với một số quốc gia Việt Nam có đường bay quốc tế trước dịch Covid, chỉ có Lào có thể đáp ứng ngay lập tức tiêu chí vùng an toàn của Việt Nam. Brunei, không có ca nhiễm mới từ 11/5/2020, có thể trở thành nước thứ hai Việt Nam mở lại đường bay quốc tế. Việc mở lại đường bay với New Zealand có thể phải đợi tới sau ngày 21/6/2020 do ca nhiễm cuối được ghi nhận vào ngày 21/5/2020. Với vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), việc mở lại đường bay, nếu áp dụng theo tiêu chí “vùng an toàn” sẽ phải đợi tới tháng 7 do ca nhiễm cuối được phát hiện ngày 1/6/2020. Với Hong Kong (Trung Quốc), theo số liệu trên trang coronavirus.gov.hk, khu vực này vẫn liên tiếp có ca nhiễm mới cho đến ngày 8/6/2020.
Xét theo tiêu chí những nước đóng góp nguồn khách du lịch chính cho Việt Nam năm 2019, Đài Loan sẽ là vùng lãnh thổ đáp ứng tiêu chí “vùng an toàn” của Việt Nam sớm nhất từ 1/7/2020. Trong khi đó, việc nhiều nước giảm giãn cách trong khi vẫn đang ghi nhận nhiều ca nhiễm mới như Mỹ, Đức, Pháp, Nga… có thể khiến việc đạt chuẩn “30 ngày không có ca nhiễm mới” của các nước này khó khăn hơn, kéo dài hơn.
Những nước đạt tiêu chí 30 ngày không còn ca nhiễm mới Covid-19.
Ngoài ra, khả năng duy trì tiêu chí “Vùng an toàn” của các nước sau khi mở lại đường bay với Việt Nam cũng khiến việc phục hồi hoạt động hàng không quốc tế và du lịch quốc tế trở nên mong manh hơn. Ví dụ như, trường hợp Campuchia, quốc gia này đã có khoảng thời gian hơn 30 ngày, từ 15/4/2020 đến 21/5/2020, không có ca nhiễm mới. Tuy nhiên, sau khi ghi nhận ca nhiễm vào ngày 22/5/2020, Campuchia đã ghi nhận thêm hai ca nhiễm nữa vào vào ngày 30/5/2020 và 7/6/2020. Như vậy, nếu theo tiêu chí “30 ngày không có ca nhiễm mới” các đường bay có thể sẽ phải dừng lại bất cứ lúc nào khi quốc gia nước ngoài ghi nhận ca nhiễm mới.
Một vấn đề khác là việc sự khác nhau giữa “không có ca nhiễm mới” và “không có ca nhiễm mới trong cộng đồng” trong 30 ngày khi lập tiêu chí “vùng an toàn”. Nếu áp dụng “không có ca nhiễm mới” trong 30 ngày thì ngay cả Việt Nam cũng không thể đáp ứng yêu cầu này. Vì theo số liệu thống kê, Việt Nam vẫn có ca nhiễm mới cho đến ngày 8/6/2020. Tuy nhiên, nếu áp dụng “không có ca nhiễm mới trong cộng đồng” thì Việt Nam đủ tiêu chuẩn “vùng an toàn” do chúng ta đã phong tỏa được dịch bệnh, không để dịch bệnh có cơ hội lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, tiêu chí để đánh giá “Vùng an toàn” nên chăng được thay đổi sang “không có ca nhiễm trong cộng đồng trong 30 ngày”.
Ngoài ra, việc áp dụng “vùng an toàn” nên là tiêu chí hỗ trợ để giảm bớt các yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt khác thay vì là điều kiện tiên quyết. Việc mở lại đường bay quốc tế nên được xem xét trên cơ sở xây dựng bộ thủ tục an toàn kèm theo (yêu cầu khai báo y tế khi nhập cảnh, đo thân nhiệt, đề nghị cài đặt ứng dụng theo dõi di chuyển, yêu cầu xét nghiệm virus ncoV tại nơi đến hoặc trước 48h đến 72h trước khi lên máy bay...). Việt Nam cũng nên ưu tiên hướng tới các thỏa thuận song phương và đa phương nhằm xây dựng hành lang du lịch an toàn và tiêu chuẩn an toàn chung với các quốc gia có đầu tư trực tiếp lớn vào Việt Nam và động lực chính cho sự tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam.
Nhìn chung, trong bối cảnh dịch nhiều quốc gia vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn dịch Covid – 19 và sớm thực hiện giảm giãn cách xã hội ngay cả khi vẫn ghi nhận ca nhiễm mới, việc áp dụng nghiêm ngặt tiêu chí “vùng an toàn” của Việt Nam sẽ khiến việc nối lại các đường bay quốc tế chính và sự phục hồi của lượt khách quốc tế đến Việt Nam khó có thể bắt đầu trước giữa tháng 7/2020. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh phụ thuộc vào khách quốc tế sẽ cần xoay xở để duy trì hoặc tạm thời chuyển hướng sang thị trường nội địa thêm ít nhất một đến hai tháng nữa trước khi hoạt động kinh doanh có thể phục hồi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mức phạt áp dụng từ ngày 1/1/2025 với việc đeo tai nghe khi đi xe máy, ai cũng nên biết
Sáu nhiệm vụ trong tâm của ngành Nông nghiệp trong năm 2025
Dự báo thời tiết miền Bắc ngày mai 4/1: Vùng núi phía Bắc rét đậm, rét hại, có nơi dưới 11 độ
Ngành Thuế công bố 10 sự kiện nổi bật, trong đó có eTax Mobile
Hai tuyến cáp biển gặp sự cố, ảnh hưởng đến tốc độ internet Việt Nam đi quốc tế
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Quý I/2025 phải hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước