"Cuộc chiến" thương mại Mỹ-Trung: Cẩn trọng "hồn Trương Ba da hàng thịt"
Đây có thể là chiêu bài giúp Trung Quốc lật ngược thế cờ trong chiến tranh thương mại với Mỹ / Bán trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc ra 'đòn cảnh báo'?
Trong buổihội thảo “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP.HCM (CIIS) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 24-10tại TP.HCM, nhiều chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp.
Cơ hội lẫn thách thức
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright Việt Nam, trong đợt áp thuế gần đây nhất (24/9 - PV) của Mỹ đối với Trung Quốc thì có ba nhóm mặt hàng chính của Việt Nam đang có cơ hội xuất khẩu nhiều hơn vào Mỹ.
Thứ nhất là, các sản phẩm hàng tiêu dùng như đồ gỗ nội thất. Cụ thể, năm 2017, đồ gỗ nội thất của Trung Quốc xuất siêu sang Mỹ đạt hơn 32 tỉ USD. Trong khi đó, đồ gỗ nội thất Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đạt 4,76 tỉ USD. Do vậy, việc Mỹ áp thuế lên mặt hàng đồ gỗ nội thất của Trung Quốc sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp đồ gỗ xuất khẩu Việt Nam.
Thứ hai là, các sản phẩm từ da như vali, túi xách, không có giày dép. Hiện tại, mặt hàng da của Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ đạt 7 tỉ USD. Theo ước tính các chuyên gia Ngân hàng thế giới, nếu các sản phẩm này bị đánh thuế thì Trung Quốc sẽ giảm kim ngạch nhập khẩu khoảng 1,9 tỉ USD. Đây là cơ hội cho Việt Nam gia tăng kim ngạch, vốn đang ở mức 1,1 tỉ USD như hiện nay.
Nhóm thứ ba là, sản phẩm nông nghiệp, nông sản chế biến. Các mặt hàng này từ Trung Quốc sẽ chịu thuế 10% - 25%, trong số này thì mặt hàng thủy sản sẽ chịu tác động mạnh nhất, giảm kim ngạch khoảng 700 triệu USD. Nhưng Việt Nam chỉ có thể khai thác được phần kim ngạch giảm ở mặt hàng tôm do tương đương về chủng loại xuất sang Mỹ, còn cá lại không. Bởi vì Trung Quốc xuất sang Mỹ chủ yếu là cá rô phi, còn Việt Nam xuất cá tra.
Các chuyên gia đã phân tích về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung với doanh nghiệp Việt Nam (Ảnh DL).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh: Nếu không nhìn rộng hơn về kinh tế cũng như chính trị,Việt Nam là quốc gia còn lại trong 5 nước đang xuất siêu vào Mỹ chưa bị áp chính sách thuế.
Với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, ông Thành nhận định, để tránh bị chịu mức thuế cao thì hàng hóa của Trung Quốc sẽ chuyển sang Việt Nam để xuất đi Mỹ. Do vậy, Việt Nam cần có chính sách kiểm soát tốt việc chuyển tải hàng hóa để tránh Mỹ áp dụng chính sách áp thuế.
Để tránh trường hợp như năm ngoái bị Mỹ trừng phạt thuế đối với mặt hàng thép, ông Thành cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải lưu ý: "Hiện đã có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Đây có thể là cơ hội để Trung Quốc đưa hàng vào rồi lấy xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Nếu điều này xảy ra thì không chỉ một doanh nghiệp bị đánh thuế mà cả ngành bị áp thuế. Điều cần nhất là các cơ quan nhà nước cần phải kiểm tra chặt để tránh nguy cơ này cho Việt Nam".
Cốt lõi vẫn là doanh nghiệp Việt
Theo TS. Trần Du lịch, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như hiện nay, nếu doanh nghiệp làm theo kiểu nhập khoai tây Trung Quốc về rồi cho nhuộm đất Đà Lạt để biến thành khoai tây Đà Lạt thì sẽ làm hại cả quốc gia.
Ông Lịch cho rằng, để tránh trường hợp trên thì doanh nghiệp Việt phải ý thức về việc này, đừng vì lợi trước mắt mà làm ảnh hưởng đến cả nền kinh tế. Doanh nghiệp cũng cần hợp tác với nhau trong chuỗi cung ứng.
Đối với các cơ quan chức năng, điều cần làm là xây dựng tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa để doanh nghiệp căn cứ vào đó tuân thủ. Đây vừa là cách chủ động trước khi các đối tác nước ngoài vào kiểm tra. “Cần có các quy định về xuất xứ hàng hóa nội địa như thế nào cho chuẩn mực, để bảo đảm không bị người ta “sờ gáy” về nguồn gốc hàng hóa", ông Lịch trình bày.
TS. Trần Du Lịch trả lời phỏng vấn của báo giới (Ảnh: DL)
Theo TS. Trần Du lịch, điều cần làm ngay lúc này là phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa, cũng như tăng tính minh bạch cho xuất xứ hàng hóa nhằm thực hiện các FTA (Hiệp định Thương mại Tự do).
"Vấn đề đặt ra hiện nay không phải chúng ta chỉ cạnh tranh với hàng Trung Quốc mà còn nhiều quốc gia khác, cũng tận dụng cơ hội để tăng thị phần của mình lên. Nhìn một cách khái quát, đây mới chỉ là cơ hội, còn các doanh nghiệp có nắm bắt được cơ hội hay không thì lại còn phụ thuộc vào bản thân mỗi doanh nghiệp", ông Lịch nói.
Ông Lịch cho rằng, để nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh, giảm chi phí sản xuất...Điều quan trọng nhất là chúng ta phải kiểm soát, không để rơi vào tình trạng cho các doanh nghiệp mượn đường chuyển sản phẩm từ Trung Quốc sang Việt Nam rồi xuất đi các nước khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo