Cảnh báo bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ
Lấy nước luộc trứng tưới cây, 7 ngày sau cây lớn khỏe, hoa nở bung xòe đã mắt mẹ trẻ vỡ òa vui mừng / Uống 1 cốc nước này trước khi đi ngủ 15 phút, vòng 2 mỡ dày bao nhiêu cũng thon lại, da trắng bất ngờ
Bác sĩ Nguyễn Thị Ly Ly, Trưởng Khoa Tim mạch thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2020, khoa đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho 108 lượt bệnh nhi và 770 lượt khám ngoại trú do nhiễm trùng tiết niệu.
Về nguyên nhân gây bệnh, trên 80% là do vi khuẩn E.Coli. Đây là một loại vi khuẩn nằm trong đường ruột, chứa nhiều trong phân người và động vật, thậm chí có cả trong đất, bụi, nước và không khí, thực phẩm, rau củ quả… Vi khuẩn này rất dễ lây nhiễm sang cho người, nhất là trẻ em khi tiếp xúc.
Bên cạnh đó, khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện cho nấm phát triển và khuếch tán khắp nơi, khi trẻ tham gia hoạt động vui chơi sẽ dễ dàng tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh.
Nhiễm khuẩn đường tiết niệu chia làm 2 loại: nhiễm trùng đường tiểu dưới âm đạo, bàng quang và nhiễm trùng đường tiểu trên (đài bể thận). Trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu điều trị bằng kháng sinh sẽ hết đối với trường hợp thông thường, không bị dị tật đường tiết niệu.
Dấu hiệu của nhiễm trùng tiết niệu thường là sốt nhẹ, sốt kéo dài hay có thể sốt cao; đau vùng hông hay đau bụng dưới. Trẻ biếng ăn, kém chơi, khó chịu, đôi lúc rối loạn tiêu hóa: nôn, tiêu chảy. Trẻ hay đái dắt, đái buốt, đi tiểu nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn. Màu nước tiểu đục, đôi khi có máu, trẻ có thể dùng tay sờ nắn bộ phận sinh dục khi nhiễm trùng đường tiểu. Trẻ nhiễm trùng đường tiểu mạn tính có thể có màu da xanh và sút cân.
Bệnh dễ tái phát ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ như có dị tật đường tiết niệu, thận đôi, hẹp khúc nối đường niệu quản; trào ngược bàng quang niệu quản… Khi bị nhiễm trùng tiểu nhiều lần sẽ gây nên sẹo thận, về lâu dài có thể gây nên tăng huyết áp và suy thận.
Bé gái thường dễ mắc bệnh hơn bé trai do cấu tạo giải phẫu và sinh lý niệu đạo ngắn, lỗ tiểu gần với hậu môn. Bé trai bị hẹp, hoặc thừa bao quy đầu cũng thường hay bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Hoặc những thói quen hàng ngày do bố mẹ thực hiện cho bé như: đóng bỉm thường xuyên, sử dụng bỉm không đúng cách; cho bé mặc quần thủng; khi vệ sinh cho bé sau khi đại tiện, nhiều cha mẹ hoặc các bảo mẫu thường rửa cho trẻ từ sau ra trước nên vô tình đưa vi khuẩn vào lỗ tiểu, điều này gây nhiễm khuẩn tiết niệu ở trẻ em.
Nhiễm trùng tiết niệu thường gây ra biến chứng gần và biến chứng lâu dài. Tại thận và quanh thận có thể gây hoại tử nhu mô thận, thận ứ mủ, viêm quanh thận. Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát như viêm thận - bể thận mãn, viêm kẻ thận mãn, xơ teo ống thận, trào ngược bàng quang - niệu quản, còn gọi là bệnh thận trào ngược. Có thể là nguyên nhân gián tiếp gây ra sỏi thận về lâu dài.
Để phòng tránh viêm đường tiết niệu ở trẻ em, bác sĩ Nguyễn Thị Ly Ly khuyến cáo: Các bậc cha mẹ nên vệ sinh đúng cách cho trẻ bằng nước sạch, mỗi lần đi vệ sinh nên lau từ trước ra sau. Sau khi trẻ đi vệ sinh xong cần lau khô cho trẻ và thay tã, bỉm thường xuyên. Cho trẻ uống nước thường xuyên, tránh trường hợp trẻ bị táo bón. Bổ sung nước cam, chanh… để làm sạch đường tiểu. Tránh tình trạng nước tiểu ứ đọng trong bàng quang. Xổ giun định kỳ cho trẻ. Cần hạn chế việc nhịn tiểu ở trẻ, khuyến khích hay tạo phản xạ đi tiểu của trẻ đúng giờ hằng ngày. Tăng sức đề kháng cho trẻ, bổ sung hoa quả và rau xanh trong chế độ ăn của trẻ.
Khi trẻ có các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiểu, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ để chữa trị hiệu quả, ngăn ngừa bệnh tái phát và biến chứng có thể xảy ra.
End of content
Không có tin nào tiếp theo