Tin tức - Sự kiện

Đà Nẵng: Xói lở bờ biển, bờ sông diễn ra với tốc độ và mức độ lớn từ hơn 10 năm nay

DNVN - Theo Sở NN-PTNT Đà Nẵng, hệ thống đê, kè biển, kè sông của TP Đà Nẵng có tổng chiều dài gần 51km, chống chịu được bão cấp 9- 10. Tuy nhiên, do điều kiện bất lợi của khí hậu trong 10 năm gần đây, các tuyến kè biển, kè sông của TP thường xuyên không ổn định. Dó đó, Tp đang thực hiện các phương án cấp bách để bảo vệ công trình xung yếu này.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Sử dụng thẻ QR-Code vào 4 chợ lớn trên địa bàn còn quá thấp

Ngày 14/6, Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho hay, kết quả đánh giá cuối tháng 5/2021 của Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Đà Nẵng) về hiện trạng công trình đê điều và phương án hộ đê năm 2021 cho thấy các tuyến đê, kè hiện nay trên địa bàn TP vẫn hoạt động bình thường, cao trình đỉnh kè tại thời điểm kiểm tra không sai khác so với cao trình đỉnh kè thiết kế.

Chi cục Thủy lợi Đà Nẵng kiểm tra, đánh giá

Chi cục Thủy lợi Đà Nẵng kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè trên địa bàn TP để chuẩn bị cho mùa mưa bão năm 2021.

“Nhiệm vụ chính của hệ thống đê, kè này là bảo vệ chống sạt lở bờ sông, bờ biển trước những ảnh hưởng do tác động của thiên tai. Đồng thời tạo tuyến đường phục vụ công tác kiểm tra, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng an ninh, tạo điều kiện phát triển giao thông góp phần phát triển kinh tế xã hội. Các tuyến đê, kè biển đều quy định thiết kế với triều tần suất 5%, và chống được bão cấp 9, 10 tùy theo từng tuyến!” – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng Hoàng Thanh Hòa cho hay.

Cũng theo ông Hoàng Thanh Hòa, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai về đánh giá hiện trạng công trình đê điều và phương án hộ đê hàng năm tại Công văn số 220/PCTT-QLĐĐ ngày 11/3/2021, Sở NN-PTNT Đà Nẵng đã xây dựng Phương án hộ đê bảo vệ các vị trí xung yếu, trọng điểm.

Theo đó, năm 2021, theo đánh giá của cơ quan hữu quan thì trên địa bàn TP Đà Nẵng có những điểm xung yếu cần xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm. Trong đó, có các tuyến đê, kè biển như vịnh Đà Nẵng, biển Sơn Trà, kè hai bên cửa sông Hàn... đều là tuyến trọng điểm, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thủy triều, sóng gió trực tiếp từ biển khi có mưa bão. Năm 2020 đã xảy ra sụt lún một số điểm cục bộ, nhỏ trên một số tuyến đê, kè của TP và các vị trí này đã được lập hồ sơ xử lý đầu năm 2021. Để bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, kè của TP, Chi cục Thủy lợi Đà Nẵng cũng đã bố trí lực lượng kiểm tra thường xuyên, kịp thời phát hiện sự cố để xử lý.

Theo đánh giá hiện trạng, các công trình đê, kè tại Đà Nẵng hoạt động bình thường, bảo đảm phục vụ cho công tác hộ đê và phòng chống thiên tai trên địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay do điều kiện bất lợi của khí hậu, thủy, hải văn nên bờ biển, lòng sông và bờ sông TP Đà Nẵng thường xuyên không ổn định.

Đặc biệt, ông Hoàng Thanh Hòa nhấn mạnh, từ hơn 10 năm nay quá trình xói lở bờ biển, bờ sông ở Đà Nẵng đã diễn ra với tốc độ và mức độ lớn, gây thiệt hại nặng nề cho cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, và đời sống sản xuất của nhân dân. Trước tình hình đó, Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho biết, các giải pháp bảo vệ, chống xói lở bờ biển, bờ sông đã được triển khai xây dựng đê, kè cứng (đối với đô thị và bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng), kè mềm kết hợp trồng cỏ Vetiver, tre để tạo cảnh quan, môi trường.

Tuy nhiên do nguồn vốn còn hạn chế nên việc đầu tư xây dựng các công trình đê, kè bảo vệ bờ sông, bờ biển chưa được đồng bộ. Tình trạng xói lở vẫn diễn ra tại các vị trí chưa xây dựng công trình. Bên cạnh đó các công trình đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng cần có sự duy tu, bảo dưỡng định kỳ nhằm tăng tuổi thọ công trình, đáp ứng yêu cầu chủ động phòng chống lụt bão.

Vì vậy, Sở NN-PTNT Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị Tổng cục Phòng, chống thiên tai báo cáo Bộ NN-PTNT hỗ trợ kinh phí hàng năm (nguồn vốn thuộc chương trình Tu bổ đê điều thường xuyên hoặc từ các nguồn khác) để TP thực hiện xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đê, kè chống sạt lở như các năm trước đây.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm