Gia đình yêu cầu 'mổ nhưng không được truyền máu', bác sĩ cứu người cách nào?
Bệnh nhi bị u gan, đã qua nhiều bệnh viện nhưng không được điều trị vì gia đình yêu cầu phẫu thuật nhưng không được truyền máu của bất kỳ người nào khác (kể cả người thân trong gia đình) cho bệnh nhi.
Cần cẩu sập trên đại lộ lớn nhất Sài Gòn, nhiều người tháo chạy / Nguy cơ đóng cửa đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất
Ngày 19/9, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Tấn Cường cho biết: Bệnh nhân N.G.B (11 tuổi, nặng 28 kg, ngụ TP.HCM) được phát hiện có khối u gan cách đây 6 tháng.
Bé đã được gia đình đưa đi nhiều bệnh viện lớn để cứu chữa nhưng các bệnh viện đều từ chối vì điều kiện gia đình đưa ra là phẫu thuật nhưng không được truyền máu của bất kỳ người nào khác (kể cả người thân trong gia đình) cho bệnh nhi.
"Đọc kết quả siêu âm và CT của bệnh nhân, trước khi vào viện và so sánh với kết quả chụp CT hiện tại (sau 6 tháng), thì khối u đã tăng từ 6 cm lên 10 cm. Nếu không được phẫu thuật, khối u sẽ tiếp tục phát triển lớn hơn. Khối u to như vậy, trong sinh hoạt, chạy nhảy, có thể vỡ bất kỳ lúc nào khiến bệnh nhi chảy máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Cường đánh giá.
Trước tình trạng nguy hiểm của bệnh nhi và tôn trọng yêu cầu của gia đình, qua hội chẩn, giải thích cặn kẽ các nguy cơ rủi ro cho gia đình bệnh nhân, cuối cùng, bác sĩ Cường đã nhận phẫu thuật để cứu bệnh nhi tại Bệnh viện Quốc tế City (TP.HCM).
Ban đầu, các bác sĩ của bệnh viện có chút ngần ngại nhưng sau khi chẩn đoán kỹ lưỡng, làm các xét nghiệm cận lâm sàng chặt chẽ và hội chẩn, ca phẫu thuật đã được tiến hành.
Đặc biệt, do không được truyền máu của người khác cho bệnh nhân nên các bác sĩ đã quyết định dùng phương pháp lấy máu của chính bé để truyền lại cho bé trong quá trình phẫu thuật, qua hệ thống máy truyền máu hoàn hồi (Cell Saver).
Đồng thời, trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân được truyền các dịch truyền thay thế máu để bảo đảm sức khỏe suốt quá trình mổ.
Sau 2 giờ thực hiện, ca mổ thành công. Các bác sĩ đã cắt bỏ được phần gan có chứa khối u và cắt túi mật. Phần gan cắt bỏ chiếm khoảng 15% thể tích gan.
“Đối với trẻ em ở lứa tuổi này, gan sẽ tăng sinh phục hồi nhanh để bù lại phần gan đã cắt”, bác sĩ Cường cho biết.
Hiện tại sau nửa tháng phẫu thuật, bệnh nhi đã phục hồi sức khỏe tốt.
Bác sĩ Cường nói thêm: “Trong khi mổ, chúng tôi đã hạ huyết áp của bé xuống để cắt gan ít bị chảy máu. Chúng tôi sử dụng máy truyền máu hoàn hồi để hút máu em bé ra, sau khi lọc, bơm trả lại cho cơ thể em bé. Chúng tôi nghiên cứu kỹ phim chụp CT scan bụng, có những mạch máu bất thường, tiên lượng trong cuộc mổ dễ chảy máu, lượng máu có thể sẽ mất nhiều. Do đó, phẫu thuật viên đã phẫu thuật hết sức cẩn thận. Phân tích tỉ mỉ từng tí một, cầm máu cẩn thận, khống chế các mạch máu lớn nuôi khối u gan”.
Theo thanhnien.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo
Ê kíp bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.