Tin tức - Sự kiện

Hai phiên họp khẩn của Chủ tịch Quốc hội và những nghị quyết chưa có tiền lệ

Chưa đầy 2 tháng, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập 2 phiên họp khẩn của Thường vụ để đưa ra những nghị quyết chưa có tiền lệ trong phòng chống dịch.

Thủ tướng: Từ nay đến 30/9 sẽ nới lỏng giãn cách từng bước có kiểm soát / Toàn văn Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Chiều 24/9, Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đây là lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tháng, ông Vương Đình Huệ triệu tập Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn để đưa ra những chính sách chưa từng có liên quan đến phòng chống dịch.

Ông cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt, khác với quy định của luật hiện hành, tập trung vào việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ

Cách đây vài ngày, Thường vụ đã thông qua nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; Nghị quyết cho phép bổ sung 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.

Ngay sau đó, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ đã làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để xem xét, thảo luận về các đề xuất của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tiếp đó, Đảng đoàn Quốc hội đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này và Ủy ban Thường vụ họp bất thường để xem xét ban hành chính sách hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp, người lao động.

Cuối giờ chiều cùng ngày, nghị quyết 03 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã ra đời.

Ngay sau đó, Chính phủ cũng ban hành nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cũng từ Quỹ này.

 

Theo đó, người lao động thất nghiệp do COVID-19 được hưởng từ 1,8 - 3,3 triệu đồng tùy thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trong gói 30.000 tỷ đồng kết dư Quỹ.

Còn người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Còn nhớ cách đây gần 2 tháng, 4h30 chiều 6/8, Chủ tịch Quốc hội đã triệu tập Ủy ban Thường vụ họp bất thường cho ý kiến 4 quy định ngoài luật trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Cuộc họp diễn ra ngắn gọn và đi thẳng vào những vấn đề cấp bách như thực tiễn đặt ra. Chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, các ủy viên Thường vụ đã đi đến thống nhất với 4 nội dung ngoài luật Chính phủ xin ý kiến.

Ngay tối cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

 

Ngay sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 để thực hiện nghị quyết số 30 ngày 28/7 của Quốc hội khóa 15 với hàng loạt giải pháp cấp bách; các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, những phiên họp khẩn, những nghị quyết chưa có tiền lệ ra đời bất kể ngày đêm là động thái rất mạnh mẽ, quyết liệt của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu “chống dịch như chống giặc”.

Đó cũng chính là tinh thần đổi mới của một quốc hội hành động, luôn đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết và trước hết.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm