Tin tức - Sự kiện

Khơi thông điểm "nghẽn", giải quyết bài toán lúa gạo rớt giá

DNVN – Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện điểm nghẽn nhất đang nằm ở lưu thông, không xuất được hàng nên tồn kho, doanh nghiệp không thể thu mua thêm lúa gạo được. Vì thế không nhất thiết phải mua tạm trữ quốc gia, chỉ cần gỡ điểm "nghẽn" này sẽ đẩy giá lúa lên.

Cửa khẩu Lào Cai: Ưu tiên thông quan cho các mặt hàng nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19 / Bắc Giang: Dỡ bỏ phong tỏa tại Lục Nam và Yên Thế, nhanh chóng hỗ trợ tiêu thụ nông sản

Thủ phạm làm lúa gạo rớt giá

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL, ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, giá lúa gạo đang thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 500 - 600 đồng/kg.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Trần Thanh Nam, qua nắm bắt ở các địa phương, việc giá lúa giảm thời gian qua chủ yếu do hoạt động thu mua lúa của các doanh nghiệp (DN), thương lái gặp khó khăn, trở ngại do các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trong khi đó, các doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì lực lượng lao động phục vụ công tác thu mua, chế biến.

Hoạt động của các cơ sở sấy lúa, nhà máy xay, ghe…. không hoạt động được do phải có test nhanh COVID-19. Tình hình bốc xếp, vận chuyển, lưu thông hàng hóa bị ách tắc, làm đứt gãy chuỗi cung ứng lúa hàng hóa từ ngoài đồng đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng.

Việc giao hàng ra cảng bị thiếu hoặc không có lực lượng bốc xếp giao lên tàu biển để xuất khẩu. Công nhân bốc xếp phải “3 tại chỗ” rất khó khăn trong điều kiện trên tàu.

Bên cạnh đó, các kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng đường bộ hay đường thủy. Điều này khiến nông dân không bán được sản phẩm, nhà máy không mua được hàng. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, salan giao lên cảng…

Trong khi đó, Tân Cảng Sài Gòn là cảng container chính nhưng đã bị ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục. Lượng container ứ đọng tại Cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc.

Trong khi đó, một phần doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới nên không mặn mà hoặc khó khăn, thiếu vốn trong việc tổ chức thu mua thêm lúa gạo cho nông dân.

Bộ NN-PTNT cũng như nhiều doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu gạo cho biết, hiện khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được. Hiện giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng.

Tình hình này đã và đang không chỉ gây rất nhiều khó khăn cho việc thu mua, xuất khẩu gạo vụ hè thu 2021 tại ĐBSCL, mà còn có nguy cơ kéo dài sang cả vụ thu đông năm 2021, cũng như vụ đông xuân 2021-2022 nếu như tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài.

Cũng theo ông Nam, một trong những khó khăn nữa là lượng công nhân làm việc tại các nhà máy, doanh nghiệp chế biến lúa gạo mới chỉ đạt 30-40%, khiến việc thực hiện “3 tại chỗ” của các doanh nghiệp khó thực hiện…

Khơi thông được điểm “nghẽn” gây tắc trong lưu thông sẽ giải quyết được bài toán lúa gạo rớt giá.

Khơi thông được điểm “nghẽn” gây tắc trong lưu thông sẽ giải quyết được bài toán lúa gạo rớt giá.

Chỉ cần tháo gỡ khâu lưu thông, vận chuyển

Theo ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, hiện các tỉnh ĐBSCL đều đã thực hiện giãn cách xã hội, vì vậy các tỉnh trong khu vực cần thống nhất cách làm là phương tiện vận chuyển (ghe, tàu, ô tô…) có gắn mã vận chuyển QR. Người điều khiển phương tiện cũng như lao động trên phương tiện có kết quả test nhanh âm tính với SARS-CoV-2 thì cần thống nhất cho lưu thông bình thường. Tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện mỗi kiểu. Có địa phương còn yêu cầu chủ phương tiện, lao động, thương lái khi đi thu mua lúa ở địa bàn có dịch về thì bắt buộc phải cách ly, rất khó khăn cho họ.

Cùng với đó, ông Thư cho biết thêm, hiện các tàu vào thu mua lúa đang đổ dồn về Cảng Cần Thơ và Cảng Vĩnh Thới (An Giang), rất ách tắc trong việc đi vào nội địa do quy trình kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, phải có cơ chế tháo gỡ để các tàu vận tải vào thu mua, vận chuyển được lúa thì mới giải tỏa được tình trạng ách tắc trong tiêu thụ, vận chuyển hiện nay.

Từ những vấn đề bất cập trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cũng đưa ra đề xuất, thay vì hỗ trợ tiền, chúng ta có thể hỗ trợ trực tiếp gạo cho người dân từ nguồn dự trữ quốc gia. Đồng thời, lấy tiền hỗ trợ mua lại gạo cho nông dân. Đây là hình thức đổi gạo. Như vậy, sẽ vừa được gạo mới để dự trữ, mà sẽ tăng cầu, phá được tâm lý chờ giá hạ của các doanh nghiệp lúa gạo.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện điểm nghẽn nhất đang nằm ở chỗ lưu thông, không xuất được hàng nên tồn kho, doanh nghiệp không thể nào thu mua thêm lúa gạo được. Vì thế không nhất thiết phải mua tạm trữ quốc gia, mà chỉ cần gỡ khâu lưu thông để bán, xuất được gạo thì doanh nghiệp sẽ tự tăng cường mua gạo trở lại để đẩy giá lúa lên.

Đồng quan điểm này, ông Phạm Thái Bình- Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An nhận định: "Mấu chốt đang nằm ở chỗ các doanh nghiệp phải ngưng hoạt động do không có lao động, không xuất được hàng. Mà doanh nghiệp không hoạt động thì thương lái không hoạt động. Bởi tỉ lệ nông dân có liên kết với doanh nghiệp ở ĐBSCL rất ít. Nông dân không bán cho thương lái thì không biết bán cho ai?"

“Việc mua dự trữ quốc gia là không cần thiết, và để mua được cũng sẽ rất phức tạp, có khi chờ mua được thì giá lúa đã lại lên rồi. Vì thế, song song với việc tháo gỡ khâu lưu thông, ngân hàng cần cho các doanh nghiệp vay thêm vốn để họ tự mua lúa dự trữ, lấy lúa chính là tài sản thế chấp”, ông An kiến nghị.

Trước ý kiến của các đại biểu, ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Hiện nay, vấn đề vốn không phải là nguyên nhân cốt lõi gây khó khăn cho hoạt động thu mua, xuất khẩu gạo, mà vấn đề đang nằm ở khâu ách tắc thông thương, gây tồn kho của doanh nghiệp".

Bên cạnh đó, ông Tú khẳng định hiện nguồn vốn của các ngân hàng thương mại đang rất dồi dào. Nếu doanh nghiệp lúa gạo có nhu cầu, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đồng tình và cam kết bảo đảm vốn vay cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ theo cơ chế cho phép lấy lúa gạo thu mua chính là tài sản thế chấp.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm