Tin tức - Sự kiện

Khu vực tư nhân ở Việt Nam đang tích cực áp dụng công nghệ cao thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu

DNVN - Theo Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - ông Patrick Haverman, khu vực tư nhân ở Việt Nam đang tích cực thích ứng với thiên tai và khủng hoảng khí hậu. Trong thích ứng với biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã nêu những điển hình về mô hình tăng trưởng xanh.

Đà Nẵng: Người mua căn hộ Chung cư FPT Plaza đủ điều kiện được cấp sổ hồng / Đà Nẵng: Khám sàng lọc miễn phí ung thư cổ tử cung và ung thư vú cho nữ công nhân

Những điển hình về mô hình tăng trưởng xanh

Ngày 28/10, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối họp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổng cục Phòng chống thiên tai (VNDMA - Bộ NN&PTNT) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong thực hiện Kế hoạch quốc gia về phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Đồng thời ra mắt Mạng lưới doanh nghiệp (DN) ứng phó với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh khu vực miền Trung (gọi tắt là Mạng lưới DN miền Trung).

Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu trực tuyến với hội thảo

Ông Patrick Haverman- Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu trực tuyến với hội thảo.

Tham dự hội thảo bằng hình thức trực tuyến, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam - ông Patrick Haverman nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu và các hiểm họa thiên nhiên. Trong đó, hiểm họa phổ biến và có sức tàn phá lớn nhất ở miền Trung Việt Nam là bão và lũ lụt. Chỉ trong tháng 10/2022 đã chứng kiến ba trận bão và lũ lụt quy mô lớn gây thiệt hại 1.500 tỷ đồng cho Đà Nẵng.

“Trong bối cảnh đó, khu vực tư nhân ở Việt Nam đang tích cực thích ứng với thiên tai và khủng hoảng khí hậu. Có những ví dụ cụ thể cho thấy tiềm năng to lớn của khu vực tư nhân trong việc đóng góp vào các hành động quốc gia nhằm giải quyết thiên tai và khủng hoảng khí hậu. Nhờ những đóng góp đổi mới của các DN, cơ sở hạ tầng công và tư có khả năng chống chịu tốt hơn trước các tác động của bão và lũ lụt”, ông Patrick Haverman nhấn mạnh.

Ông cũng đưa ra những ví dụ cụ thể cho nhận định nêu trên. Như Công ty “V-rain” đã cung cấp giải pháp sáng tạo trong các trạm đo mưa, phân tích lượng mưa và hỗ trợ các cơ quan chức năng tăng cường dự báo mưa. Các công ty Việt Nam đã sản xuất các túi trữ nước bằng nhựa dùng để chứa nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc chiến chống hạn hán kéo dài...

Theo ông Patrick Haverman, trong thích ứng với biến đổi khí hậu, các DN Việt Nam cũng nêu những điển hình về mô hình tăng trưởng xanh. Bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm nguyên liệu đầu vào, áp dụng các giải pháp kỹ thuật số để tăng năng suất; nghiên cứu và phát triển các loại hạt giống chịu được khí hậu khắc nghiệt; ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

UNDP ủng hộ thiết lập Mạng lưới doanh nghiệp miền Trung ứng phó rủi ro thiên tai

Trên tinh thần đó, ông Patrick Haverman cho biết, UNDP ủng hộ và hợp tác với VCCI, VNDMA thiết lập Mạng lưới DN miền Trung. Mạng lưới phải hoạt động như một trung tâm học tập để lưu trữ những kiến thức và thực hành tốt, chia sẻ thông tin với các thành viên, bao gồm cả các DN vừa và nhỏ, về sự chuẩn bị trước thiên tai, về đảm bảo kinh doanh liên tục và về lập kế hoạch rủi ro, ứng phó với thiên tai và các trường hợp khẩn cấp về khí hậu.

“Điều quan trọng là kế hoạch hoạt động của Mạng lưới cần linh hoạt và mở. Trong năm 2023, chúng tôi khuyến khích Nhóm Công tác kỹ thuật và Ban Thư ký Mạng lưới tổ chức các cuộc hội thảo và cuộc họp với các bộ, phòng thương mại và công nghiệp nước ngoài, các hiệp hội DN để khám phá các sáng kiến mới và các đề xuất sáng tạo”, ông Patrick Haverman nói.

Đồng thời ông Patrick Haverman cho biết, UNDP sẽ tích cực cộng tác và giúp các thành viên trong Mạng lưới DN miền Trung. Ông nhấn mạnh: “Nếu các bạn cần nhận thức về thiên tai, kiến thức và các công cụ kỹ thuật số, lập kế hoạch dự phòng hoặc đào tạo về quản lý thiên tai, chúng tôi sẽ sát cánh và cung cấp những hỗ trợ đó”.

Theo ông Patrick Haverman, dựa trên kết quả hợp tác từ những năm trước, UNDP mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với VCCI và VNDMA để hỗ trợ Mạng lưới DN miền Trung nhằm thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của khu vực tư nhân trong ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Trong đó, UNDP sẵn sàng hỗ trợ thêm cho các DN để tăng cường năng lực và lập kế hoạch kinh doanh liên tục, đồng thời thúc đẩy trao đổi và hợp tác trực tiếp giữa Mạng lưới này tại Việt Nam và các mạng lưới được quản lý bởi dự án Sáng kiến Mạng lưới Kết nối DN toàn cầu (Connecting Business Initiative - CBi) ở các quốc gia khác.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm