Tin tức - Sự kiện

Lãi suất cho vay 438%/năm, còn hơn ăn cướp

(DNVN) - Công an TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 2 tháng đối với Lê Hải Nam (28 tuổi, ngụ TP Hà Nội) và Lưu Văn Thiện (29 tuổi, ngụ Thái Bình) để điều tra về tội "Cho vay nặng lãi".

Tín dụng đen bủa vây doanh nghiệp vừa và nhỏ / Gia tăng các hình thức tín dụng đen với lãi suất “khủng”


Theo báo Người lao động, tháng 12-2017, nhóm người đến Đà Lạt lập Công ty TNHH Dịch vụ 779, do Lê Hải Nam làm giám đốc, kinh doanh lĩnh vực tư vấn tài chính, bất động sản, cho thuê xe tự lái.

Tuy nhiên, thực chất đây là vỏ bọc để các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi. Nhóm này đã tự in hàng ngàn tờ rơi với nội dung cho vay nhanh không cần thế chấp rồi đem dán khắp các trụ điện, nơi công cộng trên địa bàn. Khi "con mồi" cắn câu, nhóm này thu lãi suất đến hơn 438%/năm nên nhiều người tán gia bại sản.

Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thu giữ tại hiện trường nhiều tờ rơi của nhóm Nam, Thiện "quảng cáo" cho hoạt động tín dụng đen của mình (ảnh NLD)

Công an TP Đà Lạt (Lâm Đồng) thu giữ tại hiện trường nhiều tờ rơi của nhóm Nam, Thiện "quảng cáo" cho vay không cần thế chấp của mình (ảnh NLD)

Lãi suất 438%/năm, tức 36,5%/tháng, nghĩa là hơn 1,2%/ngày. Lãi suất này đúng là còn hơn ăn cướp. Thử nghĩ, người vay kinh doanh gì cho ra lợi nhuận đó để trả lãi chứ chưa nói còn thặng dư để bỏ túi. Như vậy thì không tán gia bại sản mới lạ.

Theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, quy định:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Còn theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (Điều 468) thì lãi suất trong hợp đồng vay được xác định như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật liên quan có quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Như vậy, theo quy định về mức lãi suất tối đa của Bộ luật Dân sự, nếu lãi suất cho vay gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất tối đa nói trên, tức là từ 100%/năm trở lên thì hành vi cho vay có dấu hiệu của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Có nghĩa là, nếu cho vay với lãi suất 8%/tháng (96%/năm) thì vẫn còn nằm trong ngưỡng dân sự. Dĩ nhiên nếu có tranh chấp, kiện nhau ra tòa thì tòa chắc chắn sẽ bác mức lãi 96%/năm mà chỉ chấp nhận mức lãi cao nhất 20%/năm mà thôi.

Còn nếu cho vay 9%/tháng (108%/năm) trở lên thì người cho vay chắc chắn có dấu hiệu hình sự về tội cho vay nặng lãi.

Tuy nhiên số tiền thu lợi bất chính có được từ hành vi này phải từ 30.000.000 đồng trở lên thì mới bị xem là có dấu hiệu phạm tội. Còn nếu trong giao dịch dân sự, người cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong BLDS nhưng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng thì cũng không bị coi là phạm tội và cũng không cấu thành tội phạm này.

Từ đó dẫn đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng, nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi cho vay lãi nặng trong giai đoạn hiện nay hầu như không thể thực hiện được.

Bên cạnh đó, về hình phạt, mức phạt tù cao nhất đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là 3 năm tù, trong trường hợp thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên.

Như vậy nhà làm luật xem đây là loại tội ít nghiêm trọng. Mà về nguyên tắc khi điều tra, truy tố, xét xử đối với bị can về tội ít nghiêm trọng (khung hình phạt tối đa 3 năm tù), phạm tội lần đầu, nhân nhân tốt… thì tòa hoàn toàn có quyền cho bị cáo hưởng án treo.

Cho hưởng án treo thì bị cáo lại trở về với đời sống xã hội, lại cho vay nặng lãi nữa thì sao? Như vậy “mầm mống” cho vay nặng lãi sẽ không bị triệt tiêu, “vòi bạch tuộc hút máu” lại tiếp tục lan tỏa, lại thêm nhiều nạn nhân.

Nhiều nạn nhân của bọn cho vay nặng lãi tố cáo lên công an (ảnh TL)

Nhiều nạn nhân của bọn cho vay nặng lãi tố cáo lên công an (ảnh TL)

Cho nên, Quốc hội nên sửa điều luật này, theo đó nâng hình phạt tội cho vay nặng lãi là loại tội nghiêm trọng (khung hình phạt đến 7 năm tù). Có như vậy thì tòa mới không thể xử án treo, tội phạm mới bị triệt tiêu hoàn toàn (vì bị nhốt trong tù) và mới đủ sức răn đe, phòng ngừa, trừng phạt người phạm tội.

Đó là nói về lý. Còn nếu nói về tình, cho dù kẻ cho vay nặng lãi “mưu mô xảo quyệt” bằng thủ đoạn này hay thủ đoạn khác qua mắt được cơ quan chức năng (ví dụ cho vay nặng lãi nhưng lại thể hiện dưới dạng hợp đồng mượn tiền…) khiến cơ quan chức năng biết nhưng không thể xử lý hình sự thì nên nhớ rằng “đời cha ăn mặn đời con khát nước”.

“Ăn” thì cũng phải chừa phần cho người khác ăn. Mình có cơm thì người ta có cháo, đó mới là lẽ đời. Ăn hết phần người khác thì cho dù luật pháp không thể trừng trị thì luật đời cũng trị. Đó là quả báo nhãn tiền.

Trần Mạnh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm