Tổ chức Y tế thế giới đặt hàng vắc xin cúm mùa của Việt Nam
Cái chân cua dài nửa mét giá 4 triệu: Hà thành ăn chơi, hưởng 1 lần cho sướng / Ngủ quên, nuốt tăm dài 7cm vào bụng
Tại hội thảo khoa học triển vọng nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh cho người ở Việt Nam diễn ra sáng 28/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế vui mừng thông báo vắc xin cúm mùa do Việt Nam sản xuất thành công đã có đơn hàng đầu tiên của WHO. Việt Nam cũng dần thay thế vắc xin cúm mùa nhập khẩu sang vắc xin cúm Việt Nam sản xuất. Dự kiến, vắc xin này sẽ được lưu hành trên thị trường đầu năm 2019.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam là 1 trong 14 quốc gia được Tổ chức Y tế thế giới đặt hàng cơ sở sản xuất vắc xin cúm mùa phục vụ phòng chống đại dịch trên thế giới.
Tổ chức y tế thế giới đánh giá rất cao vắc xin cúm mùa của Việt Nam. Đáng nói, giá thành vắc xin cúm mùa 3 trong 1 Việt Nam sản xuất rẻ chỉ bằng khoảng 1/3 giá thành vắc xin cúm mùa nhập khẩu, với chi phí 80.000-120.000 đồng/liều.
Trước khi sản xuất thành công vắc xin cúm mùa 3 trong 1, Việt Nam đã sản xuất thành công nhiều loại vắc xin như: vắc xin lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella, vắc xin ngừa cúm A/H5N1.
Mới đây nhất, đầu tháng 4/2018 Việt Nam chính thức đưa vắc xin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất vào chương trình tiêm chủng mở rộng, dùng tiêm chủng miễn phí cho trẻ 18 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã phường, thay thế loại của Ấn Độ. Đến nay, đã có 19 tỉnh, thành triển khai. 50.000 trẻ đã được tiêm và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào.
Đến nay, Việt Nam là một trong 25 quốc gia trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất thành công vắc xin sởi-rubella, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.
Ông Long thông tin thêm, Việt Nam cũng đang nghiên cứu vắc xin bại liệt bất hoạt. Đây là loại vắc xin đang khan hiếm trên thế giới. "Chúng tôi đang thức đẩy tốc độ nghiên cứu đó. Kết quả nghiên cứu đang rất khả quan. Chúng tôi sẽ mở rộng sản xuất quy mô công nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.
Được biết, hiện Chương trình phát triển sản phẩm vắc xin quốc gia đang thực hiện 9 dự án nghiên cứu phát triển vắc xin, trong đó có những loại vắc xin khó như vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, não mô cầu và vắc xin DPT phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, với thành phần ho gà vô bào.
Theo Bộ Y tế, các chuyên gia kỳ vọng có thể hoàn thành sản xuất vắc xin 5 trong 1 vào năm 2020. Cùng với đó đang đặt hàng các nhà khoa học để nghiên cứu, sản xuất vắc xin viêm phổi do phế cầu và vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung.
Trên thế giới hiện ghi nhận 30 bệnh đã có vắc xin. Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia sản xuất được vắc xin phòng bệnh, với 10 loại vắc xin đã được sản xuất trong nước. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ sản xuất được 12 loại vắc xin, đến năm 2030 có 14 loại vắc xin. Tuy nhiên, việc sản xuất vắc xin còn gặp nhiều khó khăn. Hiện có 7 dự án đã được phê duyệt nhưng chưa có kinh phí để triển khai.
Liên quan đến lĩnh vực sản xuất vắc xin, Việt Nam là quốc gia thứ năm có khả năng sản xuất vắc xin trong khu vực Tây Thái Bình Dương đạt các tiêu chuẩn toàn cầu của WHO về giám sát chất lượng đối với vắc xin sản xuất trong nước được WHO công nhận. Cụ thể, tháng 6/2015 WHO chính thức công nhận Việt Nam đã có một hệ thống quản lý vắc xin quốc gia được trang bị đầy đủ để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin do Việt Nam sản xuất và sử dụng.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã được WHO công nhận về hệ thống quản lý về vắc xin, có nghĩa chúng ta đã sánh ngang các nước phát triển trên thế giới cũng đạt tiêu chuẩn này. Điều này có nghĩa vắc xin của Việt Nam được thế giới thừa nhận, có thể xuất khẩu sang các nước tiên tiến trên thế giới, thậm chí cung cấp vắc xin cho Liên minh toàn cầu về vắc xin để sử dụng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Nhật Bản hỗ trợ Đà Nẵng thúc đẩy tiết kiệm năng lượng cho người dân
Vinh danh các tài năng công nghệ trẻ
Đề xuất hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế quá hạn từ 50 triệu đồng trở lên
Cuộc đua thu hút nhân tài của các trường đại học Việt Nam