TP.HCM: Còn hơn 1.400 hộp pate Minh Chay chưa thu hồi
Bé trai bị bỏ rơi ở khe tường có đủ sức khỏe xuất viện / Giới trẻ vô tư tụ tập tại hồ Tây bất chấp dịch COVID-19
Tại buổi họp báo về các vấn đề liên quan đến việc xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm tổ chức vào chiều 1/9, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, sau khi nhận được công văn của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, Ban Quản lý ATTP đã tiến hành rà soát, nắm bắt thông tin về số cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố đã mua mà sử dụng các sản phẩm Pate Minh Chay do Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới (trụ sở đặt tại Hà Nội) kinh doanh, sản xuất.
Ngày 31/8/2020, Ban Quản lý ATTP đã yêu cầu lãnh đạo 24 quận, huyện triển khai thực hiện xử lý khẩn cấp sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo tinh thần chỉ đạo của Cục ATTP, Bộ Y tế. Đồng thời, Ban Quản lý ATTP tiến hành xác minh, thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân không sử dụng sản phẩm này.
Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm Phạm Khánh Phong Lan chủ trì họp báo. (Ảnh KM)
Theo bà Lan, trong số 1.223 người tiêu dùng tại TP.HCM mua sản phẩm pate Minh Chay với số lượng 1.559 hộp, hiện ban đã liên hệ được 1.101 người và thu hồi được 103 hộp pate.
"Không ít trường hợp người tiêu dùng cố tình không giao sản phẩm hoặc không nhớ để đâu, hoặc muốn giữ lại sản phẩm làm bằng chứng để khởi kiện công ty khiến cơ quan chức năng gặp khó", ba Lan cho hay.
Theo bà Lan, khi cơ quan chức năng thu hồi sản phẩm sẽ lập biên bản cụ thể vụ việc, biên bản này đủ cơ sở pháp lý để đối chiếu, hoặc sử dụng để chứng minh trong trường hợp pháp luật yêu cầu. Do đó, người tiêu dùng yên tâm giao nộp sản phẩm cho cơ quan chức năng.
Theo đại diện cơ quan chức năng, người dân cần khẩn trương giao nộp sản phẩm bởi nếu tự ý thải ra môi trường trong trường hợp nguyên đai, nguyên kiện có thể khiến người khác lượm sử dụng. Ngoài ra, trường hợp bỏ pate Minh Chay lẫn lộn với thực phẩm khác có thể nhiễm chéo.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết,lượng sản phẩm Công ty Lối Sống Lối (Hà Nội) - đơn vị sản xuất pate Minh Chay, bán ra thị trường thời gian qua khá lớn so với số lượng thống kế được.
Chưa kể, TP.HCM là thị trường lớn, mức độ tiêu dùng cao nên có nhiều nguy cơ tiêu thụ cao nhất sản phẩm này. Trong khi đó, thực phẩm chay chủ yếu cho người lớn tuổi, sức khỏe kém, nên sản phẩm có độc tố thì mức độ nguy hiểm càng cao.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo,Trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM. (Ảnh: KM)
Trao đổi với báo chí, Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo - Trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn, Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM cho biết, sau một ngày sử dụng sản phẩm, người tiêu dùng sẽ xuất hiện một số triệu chứng như sụp mí, nói khó, nuốt khó, khó thở, liệt cơ, co quắp tay chân,… Các bệnh nhân nhiễm độc tố của vi trùngClostridium botulinumtrong sản phẩm thường không có triệu chứng sốt, buồn nôn, tiêu chảy như ngộ độc thông thường. Đây cũng là độc tố nguy hiểm, nguy cơ dẫn đến tử vong lên đến 20%.
Đến ngày 1/9/2020, theo thông tin từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố, 9 bệnh nhân có sử dụng thực phẩm và đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhiệt Đới, Bệnh viện 115. Hiện đã có 5 bệnh nhân được ra viện. Riêng 2 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới có tình trạng khá nặng, một người đã cai thở máy sau hơn 1 tháng điều trị, còn lại 1 bệnh nhân vẫn trong tình trạng bị liệt và thở máy.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo cho biết thêm, việc điều trị bằng huyết thanh kháng độc chỉ có tác dụng tốt nhất trong 3 ngày đầu sau khi người bệnh nhiễm độc tố của vi trùngClostridium botulinum. Để phục hồi hệ thần kinh khi người bệnh nhiễm vi trùng này, công tác điều trị cho bệnh nhân phải mất từ 1-3 tháng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong đối với bệnh nhân lớn tuổi và có nhiều bệnh nền.
End of content
Không có tin nào tiếp theo