Tinh giản biên chế, tiết kiệm chi để cải cách tiền lương
Chiều 16/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm là vấn đề cải cách tiền lương của cán bộ công chức.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội Hoàng Thanh Tùng- tỉnh Sóc Trăng, Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Bình Thuận, Phương Thị Thanh- tỉnh Bắc Kạn, Phan Anh Khoa- tỉnh Phú Yên, Đỗ Thị Lan- tỉnh Quảng Ninh đều quan tâm chất vấn vấn đề này.
Các đại biểu nêu tình trạng bất bình đẳng trong chế độ tiền lương giữa các công chức. Có ngành, công chức vừa có phụ cấp công vụ, vừa có phụ cấp khối Đảng, thâm niên ngành; có ngành lại không có chính sách này. Sự bất hợp lý kéo dài nhiều năm, kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết? Trách nhiệm của Bộ trưởng tới đâu và giải pháp là gì? Bên cạnh đó, chi thường xuyên chiếm 64% ngân sách hàng năm, nhưng thu nhập của cán bộ rất thấp, điều đó cho thấy bộ máy rất cồng kềnh, chồng lấn. Các đại biểu thắc mắc, với vai trò của mình, Bộ trưởng có giải pháp thế nào để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ?
Trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, đây là vấn đề rất phức tạp, khó khăn, theo lộ trình tiền lương đã báo cáo Bộ Chính trị tại Tờ trình số 573 của Ban Cán sự đảng Chính phủ ngày 04/04/2004. Đến nay lộ trình tiền lương đã thực hiện trình qua 5 lần kỳ họp của trung ương. Bắt đầu từ năm 2013 chúng ta xác định mức lương tối thiểu trước đây và hiện nay là mức lương cơ sở 1.150.000. Trong năm 2013, 2014, 2015 hai năm liên tục tiền lương cơ sở không tăng và năm 2016 là tiền lương cơ sở chúng ta chỉ tăng 7% lên là 1.210.000 đồng.
Nếu như vậy trong năm 2017 sắp tới theo đề nghị của Bộ Nội vụ sẽ trả nợ cho những năm trước không tăng cộng thêm phần còn lại của năm 2016 tăng 7% là chúng ta phải tăng 26%, tương đương mức lương cơ sở là 1.420.000. Như vậy tổng chi ngân sách quá lớn. Do đó, vừa rồi Ban chỉ đạo tiền lương đã họp và quyết định đề nghị với Chính phủ và Quốc hội năm 2017 tiếp tục chỉ tăng mức lương 7% tương đương là dưới 90.000 nâng mức lương lên là 1.300.000 đồng là mức lương cơ sở.
Trong bối cảnh nền kinh tế chung của cả nước còn gặp khó khăn, chi trả lương hiện nay chiếm khoảng 1/3 trên tổng chi ngân sách cho khoảng 6.500 ngàn người hưởng lương và các chế độ từ lương từ ngân sách của nhà nước. Vì vậy, nên để thực hiện về cải cách tiền lương trong thời gian sắp tới trước mắt, chúng ta thực hiện nghiêm vấn đề tinh giản biên chế theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Trong 2 năm vừa rồi chúng ta chỉ tinh giản được hơn 17 ngàn người, nếu thực hiện bình quân mỗi năm 1% thì năm 2016 phải tinh giản biên chế công chức từ cấp huyện trở lên hơn 36 ngàn người. Do đó, đối với cơ quan hành chính nhà nước ở khối Đảng, đoàn thể, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo của các bộ, ngành trung ương và các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh vấn đề tinh giản biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị.
Đối với các đơn vị sự nghiệp, ngoài việc thực hiện tinh giản biên chế 10% đến năm 2021 còn khuyến khích việc xã hội hóa và giao quyền tự chủ thêm 1%. Đến năm 2021 các đơn vị sự nghiệp với gần 2 triệu viên chức giảm được 20% và cộng thêm giảm 10% của công chức thì có cơ sở và đủ điều kiện để thực hiện lộ trình tiền lương theo Kết luận 64 của Trung ương khóa XI. Do đó, trong vấn đề cải cách tiền lương thì ngoài việc tinh giản biên chế là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt vấn đề xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã trình với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành trung ương tranh thủ xây dựng các nghị định để có chiến lược và chính sách xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trong lộ trình từ nay đến năm 2021.
Vấn đề thứ hai là từng bước chúng ta sẽ thực hiện cơ chế xóa bao cấp đối với các đơn vị sự nghiệp chuyển qua hỗ trợ cho đối tượng tiêu dùng các dịch vụ công.
Vấn đề thứ ba, từng bước nâng phí hiện nay để chuyển thành giá đảm bảo cho các đơn vị sự nghiệp công lập đủ hạch toán đầu vào để nâng cao chất lượng dịch vụ trong các đơn vị sự nghiệp công trong thời gian sắp tới. Bên cạnh việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, đề nghị các địa phương tiếp tục tạo nguồn tăng thu để dành 50% nhằm tăng lương và có thể hàng năm theo lộ trình tăng lương và theo kết luận của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tài chính bố trí ngân sách và tạo đủ mọi điều kiện để tổ chức nâng lương theo Kết luận của Bộ Chính trị về lộ trình tăng lương từ đây đến năm 2020 để đảm bảo thu nhập của cán bộ, công chức. Hiện nay cần mức lương tối thiểu là 3.300.000 đồng/tháng để đảm bảo mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, lương cơ sở mới chỉ đạt 1.300.000 vào năm 2017. Như vậy là chưa đạt 50% mức sống tối thiểu.
Trong thực hiện chế độ tiền lương, Bộ trưởng cho rằng, cần giảm số bậc lương ngắn lại để giảm khoảng cách giữa người có mức lương cao nhất với mức thấp nhất. Trên cơ sở đưa phụ cấp vào lương. Cố gắng tách phần lương công chức đang làm việc ra khỏi những người nghỉ hưu và hưởng bảo hiểm xã hội. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả tiến trình cải cách tiền lương.
Bộ trưởng khẳng định, lần này Bộ Nội vụ sẽ rút kinh nghiệm những lần trước thực hiện cương quyết vấn đề tinh giản biên chế; đề nghị lãnh đạo các địa phương và các bộ, ngành ủng hộ Bộ Nội vụ để cương quyết thực hiện cho được chủ trương này, cũng là một trong những vấn đề thực hiện lộ trình cải cách tiền lương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Phạt nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử vi phạm
Doanh nghiệp cần có chiến lược cạnh tranh để tham gia chuỗi liên kết FDI
Giá vàng ngày 26/12/2024: Tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ
Giá heo hơi ngày 26/12/2024: Biến động trái chiều trên cả nước, mức cao nhất 69.000 đồng/kg
Giá ngoại tệ ngày 26/12: Tỷ giá đồng USD và NDT biến động cùng chiều
Giá nông sản ngày 26/12/2024: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục giữ ở mức cao