Thị trường

TPP sẽ giúp Việt Nam tăng mạnh về xuất khẩu

(DNVN) - Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên, việc thực hiện Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu.

Trả lời báo chí về tác động của TPP, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 5/10, tại Hoa Kỳ, các Bộ trưởng phụ trách thương mại 12 nước đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định TPP - một hiệp định thương mại tự do toàn diện, tiêu chuẩn cao, có quy mô khoảng 40% tổng GDP và 30% tổng giá trị thương mại toàn cầu. Các nước sẽ phải hoàn tất các thủ tục ký kết, phê chuẩn theo quy định của từng nước nhằm đưa Hiệp định có hiệu lực thi hành muộn nhất vào đầu năm 2018.

Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam tăng mạnh về xuất khẩu, đặc biệt là ngành dệt may. Ảnh minh họa.

Chủ nhiệm Nên cho biết, Việt Nam đã chủ động tham gia ngay từ đầu với mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia cao nhất. Việc thực hiện Hiệp định TPP sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta, nhất là tăng mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế cao hơn, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều ngành hàng của ta sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa thị trường, cắt giảm thuế quan.

"Kết thúc đàm phán đã đạt được lộ trình thực thi phù hợp đối với một số ngành có sức cạnh tranh thấp, ví dụ như ngành chăn nuôi sẽ có khoảng 10 năm để chuẩn bị cho việc tham gia Hiệp định. Chính phủ sẽ có hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh", người phát ngôn Chính phủ cho hay.

Cũng theo ông Nên, ngay trong quá trình đàm phán, Chính phủ đã chỉ đạo để các Bộ, ngành, các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chính trị-xã hội tích cực tham gia xây dựng phương án đàm phán, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, triển khai các công việc cần thiết để tham gia Hiệp định.

Chính phủ đang chỉ đạo hoàn tất thủ tục theo quy định của pháp luật trong nước để kí kết, phê chuẩn và giao các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định; làm tốt công tác chuẩn bị, trong đó tập trung thông tin, truyền thông để người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ nội dung, khai thác tối đa các cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực.

Trước đó, tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí về TPP hôm 9/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam  cũng đưa ra những tác động của TPP đối với nước nhà. Theo Thứ trưởng Khánh, về mặt kinh tế, theo tính toán của những chuyên gia độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Riêng xuất khẩu tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2026. Theo đó, Việt Nam có thể là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.
Về xuất khẩu dệt may, theo thứ trưởng Khánh, 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng thêm sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm. Nếu quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực như dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Theo Thứ trưởng, ngoài dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản đều có cơ hội tăng xuất khẩu rất lớn.

 

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo