Trần quảng cáo, rào cản doanh nghiệp phát triển
“Dỡ bỏ trần chi phí quảng cáo và khuyến mãi có thể là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế hiện tại”, đó là ý kiến được đưa ra thảo luận trong hội thảo “Đầu tư phát triển thương hiệu và chi phí quảng cáo của doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức sáng 18/11.
Theo TS. Hà Quang Tuấn – Chủ tịch công ty Hanoimilk tham dự hội thảo cho rằng, việc dỡ bỏ trần quảng cáo 15% là rất cần thiết cho doanh nghiệp bởi có những doanh nghiệp muốn đầu tư nhiều chi phí hơn cho quảng cáo, tại sao lại cấm người ta? Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh việc gỡ trần quảng cáo thì việc phân bổ chi phí quảng cáo cũng phải hợp lý, để doanh nghiệp tự phân bổ nếu năm nay thua lỗ thì phân bổ cho năm sau.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam chia sẻ, “trần 15% như rào cản bó tay, bó chân doanh nghiệp trong việc quảng cáo giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết tới sản phẩm cũng như doanh nghiệp đó. Lợi ích rõ nhất từ quyết định dỡ bỏ trần quảng cáo và khuyến mại là các doanh nghiệp sẽ chủ động các chi phí và phù hợp với quy định về tự do kinh doanh.”
Bà Phạm Thị Thu Hằng – tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam(VCCI) cho biết, theo một cuộc khảo sát động thái doanh nghiệp, 800 doanh nghiệp được hỏi khó khăn gì tác động mạnh mẽ nhất tới sự phát triển của doanh nghiệp thì câu trả lời tập trung vào 3 nhân tố đó là hàng hóa sản xuất bị tồn kho, thiếu vốn đầu tư và tay nghề lao động còn yếu kém. Vấn đề hàng hóa sản xuất bị tồn kho không bán được khiến doanh nghiệp thua lỗ chiếm tới hơn 50%. Điều đó cho chúng ta thấy rằng việc quảng bá, quảng cáo giới thiệu sản phẩm để người tiêu dùng biết tới là rất cần thiết.
Vì thế, cùng chung quan điểm với Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng Thư ký Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, phải có hoạt động quảng cáo để đưa hình ảnh sản phẩm của doanh nghiệp tới người tiêu dùng. Chúng ta phải tiến xa hơn, có tầm nhìn xa hơn để mở rộng thị trường. “Hiện nay chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc là chưa dỡ bỏ trần quảng cáo”, bà Hằng chia sẻ.
Tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại khi gỡ bỏ trần quảng cáo. Ông Đoàn Xuân Hồng - Giám đốc một doanh nghiệp nhỏ tham dự hội thảo cho rằng, hiện nay xu hướng của chúng ta đang ưu tiên phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu dỡ trần quảng cáo đồng bộ thì các doanh nghiệp nhỏ sẽ chịu thua thiệt, bị các doanh nghiệp lớn lấn át. Vì thế cần phải quyết định doanh nghiệp lớn gỡ bỏ bao nhiêu, doanh nghiệp nhỏ bao nhiêu sao cho hợp lý.
Về vấn đề này, bà Hằng cho rằng một doanh nghiệp yếu thì không chỉ yếu vì trần quảng cáo mà còn nhiều vấn đề khác. Không chỉ đơn thuần có việc quảng cáo mà quyết định doanh nghiệp nào mạnh yếu. Nếu một doanh nghiệp lớn thì mức trần quảng cáo có dỡ hay không cũng không ảnh hưởng nhiều. Các doanh nghiệp nhỏ muốn mạnh thì phải hỗ trợ nguồn vốn dài hạn để phát triển. Phải đầu tư nhiều cho quảng cáo khuyến mại để người tiêu dùng biết đến.
Cuối cùng các doanh nghiệp mong muốn trong kì họp quốc hội tới đây lãnh đạo cơ quan nhà nước sẽ ủng hộ bấm nút dỡ bỏ trần quảng cáo để doanh nghiệp có thể chủ động các chi phí và phù hợp với quy định về tự do kinh doanh, doanh nghiệp có điều kiện quảng bá, xây dựng thương hiệu và sản phẩm; người tiêu dùng có thêm thông tin để lựa chọn sản phẩm…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Nghiên cứu cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào thị trường Mỹ
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động