Xã hội

Trào nước mắt trong lễ viếng đại tá, phi công Trần Quang Khải

(DNVN) - Sáng nay 20/6, hàng ngàn người đã trào nước mắt trong lễ viếng phi công Su-30KM2, đại tá Trần Quang Khải tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4, Nghệ An.

"Vĩnh biệt đồng chí. Chúng tôi hứa noi gương đồng chí hết mình phụng sự tổ quốc, đoàn kết, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc", Trung tướng Nguyễn Văn Thanh kết thúc bài điều văn trong lễ viếng phi công Su-30KM2 đại tá Trần Quang Khải vào lúc 9h30 phút sáng nay 20/6 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 4, Quân khu 4, Nghệ An. Báo Vnexpress thông tin.

Đại tá Trần Quang Khải được đưa về quê nhà Bắc Giang theo nguyện vọng của gia đình. Ảnh VNE.

Di hài của đại tá Trần Quang Khải được đưa ra xe trở về quê nhà Bắc Giang. Nhiều người dân cố kiễng chân nhìn đại tá Khải lần cuối. Giữa cái nắng gắt của miền Trung, những giọt mồ hôi xen lẫn nước mắt đã rơi. 

9h: Lễ viếng kết thúc, Ban tổ chức tiến hành lễ truy điệu cho đại tá phi công Trần Quang Khải. Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Phòng không không quân, Trưởng ban lễ tang - đọc điếu văn.

Con gái đại tá Khải còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau mất cha. Ảnh VNE.

​Ở một góc nhà tang lễ, con gái 3 tuổi của đại tá Trần Quang Khải ngủ thiếp đi trong vòng tay người thân. 40 tuổi phi công Trần Quang Khải mới lấy vợ và bé gái là kết quả của mối tình với một cô giáo cùng quê Bắc Giang. 

8h50: Ngồi lặng bên ngoài hành lang, thượng tá Nguyễn Văn Thuyết, Sư đoàn 371 (đơn vị cấp trên của đại tá phi công 43 tuổi) cho biết, anh Khải là phi công có lập trường, quan điểm chính trị tốt, gương mẫu trong phong cách sống, luôn tận tình với đồng đội.

Nhiều người dân Nghệ An dù không quen biết, nhưng trước sự hy sinh của phi công Khải, đã đến chia buồn và không cầm được nước mắt khi đi qua linh cữu anh. Trong dòng người tới viếng, ngoài những người ở trong lực lượng vũ trang còn có các phật tử.

 

Rất đông người dân xếp hàng vào viếng đại tá Trần Quang Khải. Ảnh VNE.

 “Từ khi nghe tin các anh gặp nạn, tôi luôn cầu nguyện mong có phép màu đến với các anh, nhưng điều mong ước của tôi đã không thành sự thật. Một người trở về trong vòng tay gia đình, người còn lại nằm mãi ở nơi biển khơi”, một phật tử nói.

Con đại tá Khải trong lễ viếng. Ảnh NLĐ.

"Anh Khải ơi, có lẽ mỗi người trong chúng ta đều có một số phận đã được định trước. Thế nên anh mới ra đi như thế. Chúc anh ở thế giới bên kia luôn được an lành, phù hộ cho con cháu anh nhé. Rất thương yêu anh", nhà báo Lại Văn Sâm viết trong sổ tang.

Chia sẻ sau lễ viếng, nhà báo Lại Văn Sâm cho biết, thời gian đi nghỉ phép, đọc nhiều bài thơ viết về phi công Trần Quang Khải, bản thân rất xúc động. Vì thế, ông quyết định bay vào viếng, dù không quen biết anh Khải.

7h, hàng trăm người dân tập trung trước nhà tang lễ Bệnh viện Quây y 4 (TP Vinh (Nghệ An) để làm lễ truy điệu đại tá phi công Trần Quang Khải. Có mặt từ rất sớm tại cổng bệnh viện, nhiều người dân cảm bày tỏ cảm xúc thương tiếc tới người chiến sĩ đã hy sinh trong thời bình. Phía trong, có rất đông người thân, họ hàng của đại tá Khải tập trung nghe đọc điếu văn.

7h50, nhạc của bài "Hồn tử sĩ" vang lên, lễ viếng bắt đầu. Ban tổ chức lễ tang đọc tiểu sử của đại tá Khải. Lễ viếng kéo dài đến 9h, lễ truy điệu diễn ra ngay sau đó.

 

Bên trong nhà tang lễ, người đồng đội của anh kìm nén những cảm xúc để hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh VNE.

Không cầm được nước mắt, cô giáo Lê Thị Hưng (SN 1970), giáo viên Trường tiểu học Thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, nghẹn ngào: “Trường tôi có kết nghĩa với đơn vị anh Khải nên chúng tôi rất thân quen với anh ấy. Nghe tin anh hy sinh, các thầy cô, học sinh ai cũng bàng hoàng, xót xa. Báo Người lao động thông tin.

 Hôm qua nghe tin sáng nay tổ chức viếng anh nên tôi cùng một số cô giáo khác xin nghỉ dạy đi từ Thanh Hóa vào TP Vinh để thắp cho anh một nén nhang. Anh ấy đã đi, đi thật rồi, nhưng anh ấy không bao giờ chết cả”. Cũng theo cô Hưng, sau khi viếng anh Khải ở TP Vinh, cô sẽ cùng một số đồng nghiệp khác sẽ ra Bắc Giang để dự đám tang anh tại quê nhà.

Bàng hoàng, đau xót là tâm trạng chung của những người đến dự lễ viếng và truy điệu phi công Trần Quang Khải. Anh đã ra đi khi đang tập luyện để bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Sáng nay, tại lễ viếng, người thân anh khóc, đồng đội, người dân nhiều người cũng không cầm được nước mắt.

Những người lính nghiêm trang chào tiễn biệt đồng đội. Ảnh VNE.

Đại úy Nguyễn Doanh Hòa, thuyền trưởng tàu BP 349801, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, xót xa: “Những ngày máy bay Su-30MK2 gặp nạn tàu của chúng tôi cũng tham gia tìm kiếm các phi công nhưng chỉ cứu được phi công Cường. Anh Khải hi sinh là một sự mất mát lớn của gia đình, của đồng đội, của tất cả chúng ta”.

Đại tá Trần Quang Khải là phi công cấp 1, Phó trung đoàn trưởng kiêm Tham mưu trưởng Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không-Không quân. Đại tá Khải đã hi sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu máy bay Su-30KM2 vào hồi 7h13 phút, ngày 14/6/2016 tại vùng trời Thanh Hóa và Nghệ An.

 

Nên đọc
Dã Qùy (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo