Tin tức - Sự kiện

Triển vọng lạc quan về kinh tế Việt Nam

Ngày 29-3, tại TP.HCM, Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam 2013 và những năm sau này”. Tham gia Hội thảo có đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan quản lí Nhà nước tại TP.HCM.
Tại Hội thảo, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng HSBC tại Việt Nam đã đưa ra những nhận định tình hình kinh tế thế giới cũng như triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm 2013 và những năm sau này.
 
Đồng thời, đại diện các sở, ngành tại TP.HCM cũng đã cung cấp những thông tin về tình hình kinh tế của TP.HCM cũng như các chính sách về thu hút đầu tư, các quy định mới về thuế, hải quan sẽ được áp dụng trong thời gian tới.
 
Theo ông  Sanjay Kalra, đại diện IMF tại Việt Nam, thị trường tài chính thế giới đã giảm bớt khó khăn trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn còn nhiều rủi ro.
 
Trong năm 2013, sự phát triển của các khu vực trên thế giới vẫn còn thấp và sẽ còn tiếp tục thấp trong những năm tới do Chính phủ các nước đang tăng cường kiểm soát nền kinh tế.
 
Cũng theo ông Sanjay Kalra, kinh tế Việt Nam trong năm 2012 đã có những chuyển biến tích cực hơn so với năm 2011, lạm phát đã giảm xuống một con số, tỉ giá ngoại tệ ổn định… những yếu tố trên đã góp phần khôi phục lại niềm tin của các nhà đầu tư.
 
Cùng quan điểm như trên, tuy nhiên, ông Sumit Dutta, đại diện Ngân hàng HSBC tại Việt Nam cho rằng, xét trong ngắn hạn kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn với nhiều điểm yếu, tiêu thụ nội địa giảm sút, nợ xấu lớn, đặc biệt, các vụ bê bối và tình trạng hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước trong những năm gần đây đang gây khó khăn cho nền kinh tế của Việt Nam cũng như làm ảnh hưởng đến hình ảnh của DN Việt Nam đối với các tổ chức tài chính quốc tế.
 
Do vậy, nền kinh tế Việt Nam năm 2013 có thể sẽ còn khó khăn hơn trước khi hồi phục trở lại vào những năm sau đó. Triển vọng của kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn là tương đối lạc quan.
 
Theo nhận định của các diễn giả, Việt Nam là một quốc gia năng động với gần 70% dân số đang ở trong độ tuổi lao động. Đây là tiềm năng tăng trưởng rất lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để có thể tận dụng được nguồn lực này, ngay từ bây giờ Việt Nam phải có những giải pháp để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.
 
Cụ thể, để có thể hồi phục trở lại vào năm 2015, Việt Nam cần phải tăng tốc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, kiểm soát nợ xấu. Bên cạnh đó, hạn chế đầu tư cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước, vì các doanh nghiệp Nhà nước tuy chiếm tới 35% đến 40% GDP của cả nước nhưng đóng góp cho nền kinh tế lại không bằng khu vực doanh nghiệp tư nhân.
 
Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng đội ngũ lao động kĩ thuật cao, và phải có chiến lược khẳng định vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu thay bằng việc chỉ tập trung khai thác nguồn lao động giá rẻ.
 
Về phía các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị nguồn tài chính để có thể kịp thời nắm bắt cơ hội vào những năm tới khi nền kinh tế hồi phục trở lại.
 
Đồng thời các doanh nghiệp cần có sự linh hoạt trong kế hoạch kinh doanh. Trên cơ sở xem xét kế hoạch kinh doanh của mình, chọn đúng đối tác nhằm chuẩn bị cho sự phát triển bền vững, lâu dài chứ không nên tập trung vào lợi nhuận trong ngắn hạn…/.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo