Tự đóng dấu 'made in Viet Nam': Sợ lóng ngóng không biết làm
Tới đây, doanh nghiệp (DN) sản xuất sẽ được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu sang Indonesia, Philippines và Lào. Đây là một dự án thí điểm mà Việt Nam tham gia nhằm chuẩn bị cho việc áp dụng rộng rãi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho toàn khối ASEAN vào năm 2015, song song với hệ thống thông thường như hiện nay.
Doanh nghiệp hưởng lợi
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết nếu DN được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu của mình, không phải xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho từng đơn hàng như hiện nay thì DN không phải tốn chi phí và thời gian.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay hiệp hội cũng mới nghe thông tin về cơ chế này từ Tổng cục Hải quan. Nếu áp dụng cơ chế này thì chắc chắn DN sẽ có rất nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN. Chẳng hạn như sản phẩm cá tra, sau thị trường Mỹ, EU thì ASEAN là thị trường lớn thứ ba, dự báo đầy tiềm năng trong những năm tiếp theo.
“Hàng thủy sản đông lạnh xuất khẩu mất thời gian làm thủ tục ngày nào thì chi phí bảo quản, thuê kho bãi tốn thêm ngày đó. Nếu DN Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ hàng xuất khẩu, giảm được nhiều chi phí thì sẽ góp phần làm giảm giá thành sản phẩm đầu ra, tăng năng lực cạnh tranh cho DN xuất khẩu. Các nước trên thế giới đã áp dụng cơ chế này từ lâu, xuất xứ (hay cả chất lượng) hàng hóa xuất khẩu tự bản thân DN khai báo và phải chịu trách nhiệm. Như DN chế biến xuất khẩu cá tra tự đóng dấu “made in Viet Nam”, nếu bị phát hiện mua hàng Campuchia thì chính DN đó phải chịu chế tài xử phạt” - ông Hòe nói.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng sang các nước ASEAN, ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến Nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An, vui mừng khi nghe được thông tin này. Ông Thanh cho rằng cơ chế tự DN chứng nhận xuất xứ hàng hóa tạo ra sự thông thoáng thủ tục khi xuất khẩu, hàng Việt có nhiều cơ hội tăng tốc chiếm lĩnh những thị trường trong khu vực. Các nước có nhiều người theo đạo Hồi ăn chay như Indonesia hay Malaysia đang có nhu cầu tiêu thụ rất lớn hạt điều nhân Việt Nam. Trước đây làm thủ tục xin cấp C/O, DN của ông Thanh thường mất một tuần, chưa kể phải có một vài nhân viên lo chuyện này. Nhiều loại hàng DN phải giải trình, chứng minh xuất xứ rất phức tạp. Có lúc đối tác bị giao hàng chậm vì DN chưa xin xong C/O.
Còn theo ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cafatex, không chỉ khối kinh tế chung ASEAN mà khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) cơ chế DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa đều được áp dụng. Vì thế giờ mới bắt đầu giới thiệu cơ chế là quá chậm, chắc chắn nhiều DN vẫn chưa biết thông tin. Chỉ lo khi tham gia FTA rồi, DN Việt Nam vẫn lóng ngóng không biết làm.
Vẫn lo rủi ro
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (VCCI), cho biết hiện trong khối ASEAN, rủi ro lớn nhất của cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp qua Việt Nam, mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng ưu đãi… Giả sử một DN bị phát hiện lô hàng xuất xứ từ Trung Quốc nhưng gian lận xuất xứ, ghi là Việt Nam, khi đó các nước nhập khẩu sẽ không chấp nhận việc tự chứng nhận xuất xứ của cả một ngành sản xuất đó của Việt Nam. Điều này làm ảnh hưởng nặng nề đến những DN làm ăn chân chính.
Theo bà Hương, đến nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào từ phía các bộ, ngành có trách nhiệm về cơ chế DN tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, để tránh rủi ro gian lận xuất xứ, phải có quy định xử phạt nặng để răn đe. Đồng thời tăng cường tập huấn cho DN. Tại các nước áp dụng cơ chế này, DN vi phạm chịu mức phạt gấp 2-3 lần giá trị lô hàng xuất khẩu và còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho rằng cần có thông tư hướng dẫn về thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, có các chế tài xử phạt nặng. DN đã tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu thì vi phạm phải chịu trách nhiệm. Song theo ông Thanh, nếu lại “đẻ” ra thêm điều kiện để được tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, khi đó DN xuất khẩu lại phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, phải làm các thủ tục hồ sơ này nọ để chứng minh thì chẳng khác nào làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa như hiện nay. Nguy hiểm hơn là sẽ nảy sinh cơ chế xin-cho, các chi phí không rõ ràng khác.
Lập bộ phận chuyên trách về xuất xứ hàng hóa
Đại diện một DN xuất khẩu chia sẻ để được tự chứng nhận xuất xứ, DN phải nắm rõ quy định về xuất xứ với từng mặt hàng cụ thể, cũng như xây dựng bộ phận chuyên trách về xuất xứ và có hệ thống lưu trữ chứng từ trong nhiều năm để dễ dàng trong việc xác minh xuất xứ hàng hóa khi cơ quan quản lý kiểm tra. Nếu hiểu biết, nắm rõ thông tin về cơ chế này thì DN mới tận dụng tốt các lợi ích mang lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất