"Gói" mùa Xuân Tây Bắc vào lòng Hà Nội
Khai mạc Lễ hội Tết Việt 2020 lần đầu được tổ chức / Tết Việt, dùng hàng Việt!
Bánh chưng là biểu tượng cho sự hòa quyện của tinh hoa đất trời. Lễ hội gói bánh chưng đón Tết luôn khiến mọi người con đất Việt muốn về với gia đình, về với cội nguồn văn hóa dân tộc mỗi khi mùa Xuân về.
Điều đặc biệt hơn, chiều 15/1, ngay trong lòng phố cổ Hà Nội - phố bích họa Phùng Hưng – đã diễn ra lễ hội gói bánh chưng truyền thống của đồng bào Tây Bắc. Ấn tượng khác biệt của bánh chưng của đồng bào dân tộc là mang đủ màu sắc của lá cơm (đen, xanh, vàng, tím, đỏ). Bà con lấy nước lá cơm xay nhỏ ngâm với gạo nếp thơm, gói những chiếc bánh chưng nhỏ, theo hình dạng tròn, dài giống như bánh tét.
Nguyên liệu làm bánh chưng từ gạo nếp truyền thống hạt to tròn, vừa thơm vừa dẻo cùng thịt ba chỉ, đậu xanh nghiền mịn và hạt tiêu đen, muối. Bánh chưng của đồng bào dân tộc Tây Bắc có hương vị quyến rũ và màu sắc thật bắt mắt.
Bà Nguyễn Nguyễn Thị Hằng - thị Trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang vừa hướng dẫn cho khách hàng trải nghiệm cách gói bánh chưng gù, vừa chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam về niềm vui được hòa mình trong không gian đón Tết của phố cổ Hà Nội.
“Bánh chưng của Hợp tác xã Hải Phong, huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang chúng tôi nhỏ nhỏ, xinh xinh, một người ăn khỏe có thể ăn hết một cái. Khách tham gia lễ hội gói bánh chưng tại phố bích họa Phùng Hưng hôm nay có thể thoải mái trải nghiệm, nếu muốn mua thì cũng không đắt, giá chỉ 50 nghìn một cặp bánh.
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, chúng tôi vui lắm, các thành viên hợp tác xã chúng tôi hầu như thức thâu đêm suốt sáng để gói bánh chưng cho khách đặt, khách của chúng tôi trên mọi miền đất nước. Họ đến với mùa xuân Hà Giang và nhớ hương vị bánh của chúng tôi. Mong là mọi khách hàng trải nghiệm hôm nay cũng vui và nhớ hương vị bánh chưng Hà Giang như vậy”, bà Hằng nói.
Hòa cùng lễ hội gói bánh chưng trong sắc màu “Tết Việt - Tết Phố 2023” đang tưng bừng tại phố bích họa Phùng Hưng còn có các hoạt động xin chữ ông đồ, ngắm tranh Hàng Trống, tham gia những trò chơi dân gian truyền thống (kéo co, nhảy bao bố...); workshops (làm nến thơm, làm tò he, làm chuồn chuồn tre, quạt giấy, nón lá, dép cao su...). Hoa chuối đỏ rực, hoa lan kiêu sa, hoa đào tươi thắm cũng được bà con miền Tây Bắc đưa về đây góp thêm sắc màu mùa xuân, thu hút hàng trăm lượt khách check-in, chụp ảnh, mua sắm mỗi ngày.
Ngay sau lễ hội gói bánh chưng, tối 15/1, cũng tại đây sẽ diễn ra chương trình biểu diễn âm nhạc “Làm mới nhạc thiếu nhi” cùng nhóm nhạc Dragon Plus của MC Bạch Dương.
Phố bích họa Phùng Hưng đang bừng lên không khí mùa Xuân mới, mùa Xuân của truyền thống, bản sắc dân tộc, của tuổi trẻ và của niềm phấn chấn, hoan hỉ, ngập tràn hy vọng, xóa tan khi nỗi buồn từ Tết trong dịch bệnh COVID-19 hai năm đã qua.
Chia sẻ niềm vui Xuân với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, bà Thị Thu Thủy - Giám đốc Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Sinh Thái Tgarden, Chủ tịch Câu lạc bộ “Ấn tượng Tây Bắc” cho biết, bà là người lên ý tưởng phối hợp với Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức sự kiện Tết Việt - Tết Phố 2023” tại phố bích họa Phùng Hưng, đồng thời là người hỗ trợ bà con dân tộc phí vận chuyển hàng hóa, phí thuê các gian hàng tại phố bích họa Phùng Hưng.
Với kinh nghiệm từng thực hiện thành công chương trình “Ấn tượng Tây Bắc” tại phố đi bộ Pont de Long Bien tại Splendora, Mailand Hanoi City nhân dịp Xuân mới 2022, bà Thủy đã mang mùa xuân Tây Bắc về với phố cổ nhân dịp Xuân Quý Mão 2023 một cách rất ấn tượng và độc đáo.
“Tôi mang lễ hội gói bánh chưng của đồng bào Tây Bắc về Hà Nội cùng với các sự kiện đón Tết giàu bản sắc dân tộc về với phố cổ Hà Nội với mong muốn tạo sân chơi cho đồng bào dân tộc Tày, Thái, Dao, Mông tham gia vào hoạt động giao lưu văn hóa, giao thương với người dân Thủ đô.
“Ấn tượng Tây Bắc” tại phố bích họa Phùng Hưng cũng là một sự khởi đầu mới Chi hội Doanh nhân các dân tộc Việt Nam mà thành viên là tôi và nhóm doanh nhân khu vực Tây Bắc, doanh nhân người Kinh nhưng hoạt động trên lĩnh vực khôi phục làng nghề truyền thống dân tộc. Tôi mong muốn Chi hội sẽ gắn kết cộng đồng các doanh nghiệp dân tộc, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp dân tộc phát triển, tạo thêm sinh kế cho bà con”, bà Thủy nói.
Mang hàng về Thủ đô tham gia “Ấn tượng Tây Bắc”, chị Lý Tả Mẩy, người dân tộc Dao đỏ, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai nói đây là năm đầu tiên chị tham gia “Ấn tượng Tây Bắc”.
“Tôi vui lắm vì đã bán và cho thuê được trang phục thổ cẩm của người Dao đỏ trong không khí vui xuân. Nhất là hôm nay, lễ hội gói bánh chưng tại đây thu hút đông đảo hơn người tham gia. Người Dao đỏ chúng tôi tự thêu họa tết bằng tơ tằm, nhuộm chàm cho quần áo của mình. Dân tộc tôi, đàn ông rất cần biết chữ còn đàn bà trước hết phải biết thêu thùa. Thêu được một bộ váy áo rất kỳ công, mất rất nhiều thời gian. Nếu du khách từng trải nghiệm việc thêu thùa này ở bản của tôi, khi mua váy áo sẽ không khi nào kêu đắt. Tôi mong sẽ có dịp hướng dẫn cho người dân tại Thủ đô được trải nghiệm hoạt động thêu thùa này”, chị Mẩy mong muốn.
Theo chị Mầy, sản phẩm trang phục thổ cẩm của người Dao đỏ chưa có thương hiệu nên giá bán không được tốt. Chị mong vào Chi hội Doanh nhân các dân tộc Việt Nam trong thời gian tới sẽ có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm của dân tộc mình.
Có thể nói, du khách trải nghiệm không khí đón Tết truyền thống “Tết Việt - Tết Phố 2023” tại phố bích họa Phùng Hưng, không chỉ thích thú với lễ hội gói bánh chưng, mà còn được hòa nhập với muôn vàn sắc màu ấn tượng Tây Bắc. Người đi chơi phố chợt thấy mùa xuân Tây Bắc đẹp hơn trong lòng Hà Nội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo