Vàng trang sức không mất thuế khi xuất khẩu
Theo thông tư 164/2013/TT-BTC, thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng sẽ giảm về 0% từ 1/1/2014.
Hiện tại, các sản phẩm nữ trang xuất khẩu có hàm lượng vàng trên 80% sẽ chịu thuế suất xuất khẩu là 10%. Việt Nam mới chỉ có 2 doanh nghiệp đang xuất khẩu nữ trang, là Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC).
SJC chỉ mới khởi động việc xuất khẩu nữ trang trở lại cách đây vài tháng, và đã xuất khẩu được 4 đợt cho một đối tác nước ngoài. Ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc SJC cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác khác để thúc đẩy việc này, nhằm mang lại lợi nhuận, bù đắp vào sự sụt giảm của hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, doanh thu xuất khẩu nữ trang cũng chỉ chiếm khoảng 6% tổng doanh thu của công ty, còn lợi nhuận cũng không nhiều. Bà Cúc cho biết từ khi bị áp thuế suất 10% đối với nữ trang hàm lượng vàng từ 80% đến dưới 99,99%, các sản phẩm nữ trang có giá trị cao đã không còn xuất được.
Kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của PNJ khoảng 12,5-13 triệu đô la Mỹ, trong khi nếu nhìn lại năm 2010, thời kỳ các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh nữ trang do giá trong nước thấp hơn thế giới, thì trong 5 tháng đầu năm 2010 PNJ đã có kim ngạch xuất khẩu lên 29 triệu đô la Mỹ.
Cũng theo Thông tư 164, vàng nguyên liệu xuất khẩu không phân biệt hàm lượng sẽ chịu thuế 2%.
Tuy nhiên, việc áp thuế đối với vàng nguyên liệu, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, sẽ chỉ áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các công ty được xuất, nhập vàng nguyên liệu (hiện tại chưa doanh nghiệp nào được phép), còn khi Ngân hàng Nhà nước nhập vàng sẽ không chịu thuế.
Hiện, đối với vàng nguyên liệu hàm lượng dưới 99,99% chịu thuế suất xuất khẩu là 10%, còn với nữ trang vàng có hàm lượng trên 80% cũng chịu thuế 10%, mức thuế suất 0% áp dụng cho vàng nguyên liệu có hàm lượng dưới 80%. Mức thuế này được quy định từ năm 2011, sau khi nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang thô.
Theo các doanh nghiệp, kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức trong nước ở mức rất thấp. Ngoài ra, các quốc gia khác trong khu vực đã giảm thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ xuống mức 0%, nên ngành vàng trang sức của họ luôn đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao như ở Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức đạt bình quân khoảng 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam có hàm lượng 20k (83,33%), 22k (91,66%), hay 24k… rất được ưa chuộng tại các thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai, Trung Quốc, vì vậy Bộ Tài chính nên giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước đó, Hiệp hội kinh doanh vàng đã có công văn gửi Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiến nghị giảm 50% thuế suất xuất khẩu vàng nữ trang với lý do từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 111/2011/TT-BTC ngày 2/8/2011, hoạt động xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam đã rơi vào bế tắc, vì các sản phẩm vàng có hàm lượng từ 80% đến dưới 99,99% bị áp thuế suất xuất khẩu 10%.
Bên cạnh đó, theo hiệp hội, do nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức trong nước ở mức rất thấp. Điều này càng làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức của các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn hơn, buộc các doanh nghiệp phải liên tục cắt giảm lao động.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động
Cột tin quảng cáo