Thị trường

Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn “thờ ơ” với sản xuất sạch hơn?

Các nghiên cứu và thực tế đã chỉ ra rằng sản xuất sạch hơn có ý nghĩa đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp ở tất cả các ngành nghề khác nhau, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế môi trường và xã hội. Vậy tại sao, tới nay công cụ này dường như vẫn còn xa lạ với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ?

Hội thảo

Sản xuất sạch hơn: Lợi ích và rào cản cho doanh nghiệp

Sản xuất sạch hơn (SXSH) đang là một xu hướng tại nhiều nước phát triển và đang phát triển hiện nay. Đối với Việt Nam đây là một định hướng xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ nay đến năm 2020.

Mục tiêu cụ thể mà chiến lược này đặt ra là đến năm 2015 có 50% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 25% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH sẽ tiết kiệm được từ 5 đến 8% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 70% các sở công thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng SXSH trong công nghiệp.

Giai đoạn 2016-2020, mục tiêu của chiến lược là đưa 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp. Đồng thời, 50% cơ sở sản xuất công nghiệp sẽ áp dụng SXSH và những cơ sở áp dụng SXSH sẽ tiết kiệm được từ 8 đến 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu/đơn vị sản phẩm. Ngoài ra, 90% doanh nghiệp vừa và lớn sẽ có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn. Đồng thời, 90% các sở công thương sẽ có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả khảo sát mới đây cho thấy: mục tiêu trên sẽ khó thực hiện được do mức độ nhận thức về SXSH tại các cơ sở công nghiệp trên toàn quốc vẫn rất thấp và hầu như không đầy đủ. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa áp dụng quá trình SXSH vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Trần An, Chuyên gia tư vấn SXSH, Phó giám đốc Công ty cổ phần tư vấn Epro cho biết: Trong quá trình tiếp xúc và tư vấn cho nhiều doanh nghiệp địa phương trên cả nước ông đã không ít lần nhận được thắc mắc của doanh nghiệp rằng: tại sao doanh nghiệp đã được cấp chứng chỉ tiêu chuẩn ISO 14000 rồi mà vẫn phải áp dụng bộ công cụ SXSH? Điều này nó phản ánh nhận thức chưa đầy đủ của doanh nghiệp về SXSH.

“Trong khi, ISO 14000 là bộ khung hệ thống quản lý bảo vệ môi trường thì SXSH lại là nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu cụ thể như nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm phát thải, tăng cường tái sử dụng… Vì vậy, doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ sự khác biệt của hai tiêu chuẩn này để có thể áp dụng đồng thời cả hai”, ông An giải thích.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó cục trưởng, Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng: Rào cản lớn nhất đối với SXSH ở Việt Nam chính là do các doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH vào sản xuất kinh doanh để không những kiểm soát được ô nhiễm mà còn mang lại lợi ích về tăng trưởng bền vững.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI) cho rằng: “Nói ngắn gọn, doanh nghiệp nên nhìn nhận việc SXSH vì lợi ích phát triển của chính doanh nghiệp mình. Đầu tư cho SXSH cần chú trọng nhiều đến đầu tư cho nhận thức và tầm nhìn hơn là các chi phí về vật chất”.

Giải pháp tốt nhất đến từ chính bản thân doanh nghiệp

Việt Nam hiện là nước phát thải trung bình trong nhóm nước mới nổi và lượng phát thải dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích cho chính doanh nghiệp và góp phần ngăn ngừa, giảm các tác động về môi trường, các doanh nghiệp cần chủ động áp dụng các giải pháp đồng bộ, tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh bằng việc đẩy mạnh cải tiến thiết bị máy móc, áp dụng công nghệ mới, thay thế nguyên vật liệu có tác động xấu đến môi trường.

Ông An cho rằng: Để có thể áp dụng rộng rãi SXSH cần phải trải qua quá trình chọn lọc tự nhiên. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới cũng không tự nhiên chú ý đến SXSH mà phải trải qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là khủng hoảng năng lượng mới bắt đầu chú trọng đến tìm kiếm cách giải pháp tiết kiệm chi phí, năng lượng… nhằm vượt qua khó khăn.

Từ kinh nghiệm từng thực hiện thành công nhiều mô hình SXSH tại Thái Lan, ông Vorapong Vorasuntharosoth, Giám đốc quan hệ với Cơ quan Chính phủ khu vực Đông Nam Á/ANZ cho rằng: Khái niệm SXSH nghiêng nhiều hơn về phòng ngừa hơn là xử lý, vì phòng ngừa sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực hơn.

“Cách tốt nhất để giảm thiểu chất thải là giảm bớt việc thải ra chất thải cũng như đẩy mạnh khâu tái chế. Đồng thời, cần thành lập một mạng lưới giữa các doanh nghiệp mang tầm quốc gia để chia sẻ những kinh nghiệm, bài học thành công”, ông Vorapong Vorasuntharosoth khuyến nghị.

Bên cạnh đó, về phía chính quyền, ông Thanh, cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng nghị định về phát triển ngành công nghiệp môi trường đề cập đến các vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động về bảo vệ môi trường tư vấn cho công tác bảo vệ môi trường và tái chế, tái sử dụng chất thải. Đây là những vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm trong nghị định mới này. Từ đó thúc đẩy các doanh nghiệp giảm phác thải tại nguồn, giảm sử dụng năng lượng”.

Như vậy, để SXSH thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, rất cần có các giải pháp thực tế, tích cực hơn, mang lại nhiều hiệu quả hơn, đồng thời cần ban hành thêm các chính sách với các quy định rõ ràng về mặt tổ chức thực hiện, về chế tài cũng như những khuyến khích về tài chính. Có vậy, SXSH mới trở thành một hoạt động quan trọng trong SXKD cũng như bảo vệ môi trường ở nước ta trong giai đoạn tiếp theo.

Sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.

Đối với quá trình sản xuất: sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại và giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.

Đối với sản phẩm: sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong suốt chu kỳ sống của sản phẩm, từ khâu thiết kế đến thải bỏ.

Đối với dịch vụ: sản xuất sạch hơn đưa các yếu tố về môi trường vào trong thiết kế và phát triển các dịch vụ.

Định nghĩa của UNEP

 

Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo