Tin tức - Sự kiện

Việt Nam chính thức có 18 di sản thế giới

Tối 11/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND Tp.HCM tổ chức lễ đón bằng của UNESCO công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau khi được tổ chức này cộng nhận vào đầu tháng 12/2013.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đón nhận bằng công nhận từ đại diện UNESCO.

Đây là lần đầu tiên, 21 tỉnh, thành phố Nam Bộ cùng có chung một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Được biết, nghệ thuật Đờn ca tài tử từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần của người dân miền Tây Nam Bộ. Nhạc cụ của bộ môn này gồm: kìm, tranh, tỳ bà, bầu, cò, sáo, tiêu, song loan... Riêng Violon lên dây quảng 4, Guitar được khoét phím lõm để nhấn nhá. Đầu thế kỷ 20, nghệ nhân Cao Văn Lầu đã sáng tác bản Dạ cổ hoài lang - bài ca nổi tiếng và phổ biến nhất của đờn ca tài tử được cộng đồng tiếp nhận, phát triển từ nhịp 2, 4, 8, 16, 32 đến nhịp 64 và đã trở thành "bài ca vua" của sân khấu cải lương ngày nay.
 
Bà Katherine Muller Marin, đại diện UNESCO khẳng định “đây là bộ môn nghệ thuật đã đưa con người đến với nhau từ hàng trăm năm trước. Nghệ thuật này thể hiện được cái tâm tư, khí phách của con người miền sông nước, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Việc UNESCO công nhận đờn ca tài tử là di sản của nhân loại không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn để cộng đồng nhân loại có cơ hội sẻ chia, tìm hiểu và có cơ hội thưởng thức được phần nào những giá trị tinh thần tuyệt vời này”.
 
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đến nay, Việt Nam đã có 18 di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới. Trong đó có 8 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế.
 
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan liên quan, chính quyền cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân và đồng bào, nhất là các địa phương quê hương của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, hợp tác chặt chẽ, triển khai có hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ để loại hình nghệ thuật độc đáo vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học này luôn được bảo tồn và phát triển sáng tạo, luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào miền Nam, của nhân dân Việt Nam và của nhân loại.
VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo