Hỗ trợ doanh nghiệp

VTV tính chuyện thoái vốn tại K+ vì liên tục thua lỗ

(DNVN) - Với số lỗ lũy kế đã lên tới gần 2.000 tỷ đồng sau 6 năm của K+, VTV đang tính đến chuyện sẽ thoái vốn nếu đơn vị này không đưa ra được giải pháp tăng trưởng, giảm lỗ trong thời gian tới.

Theo tin trên báo Zing.vn, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vừa có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ về tình hình tổ chức hoạt động quản lý vốn, tài sản Nhà nước tại Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV, đơn vị sở hữu thương hiệu K+).

Theo đó, vốn hoạt động chủ yếu của VSTV là vốn vay (66 triệu USD/86 triệu USD), chiếm 77% trong tổng số vốn đầu tư nên chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng lớn nhất là trong bối cảnh tỷ giá USD biến động mạnh theo hướng bất lợi. Hiện chi phí trả lãi vay của K+ mỗi năm là hơn 100 tỷ đồng.

Về thực tế hoạt động của VSTV, theo VTV, K+ liên tục chịu lỗ trong suốt 6 năm qua. Năm 2009, số lỗ trước lãi vay là 59,5 tỷ đồng, sau đó tăng lên 154-400 tỷ đồng những năm sau đó (nếu tính sau lãi vay, con số này dao động trong khoảng 59,5-453 tỷ mỗi năm).

Nếu tiếp tục thua lỗ, VTV sẽ 'tháo chạy' khỏi K+.

Riêng năm 2015, dù tuyên bố vào giữa năm đã đạt điểm hòa vốn, song kết thúc năm tài chính, K+ vẫn lỗ 11 tỷ (trước lãi vay). Đến hết năm, lỗ lũy kế của K+ là gần 2.000 tỷ đồng.

Theo nhà đài, có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ của K+. Theo đó, đầu tiên là thị trường truyền hình trả tiền xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh mới và mạnh về hạ tầng kỹ thuật, tài chính như Viettel, MobiFone, FPT.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này “thiếu lành mạnh, vi phạm bản quyền phổ biến, sức mua của người dân giảm mạnh” do tác động của nền kinh tế, tâm lý giá rẻ và miễn phí ăn sâu… cũng ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của K+.

Về nguyên nhân chủ quan, VTV cũng cho rằng chiến lược kinh doanh truyền hình giá cao không phù hợp với thị trường Việt Nam. Ngoài ra, việc tổ chức hoạt động kinh doanh chưa linh hoạt, nhạy bén để kịp thay đổi, dẫn đến để mất thị phần vào tay các đối thủ khác.

Cũng theo lãnh đạo VTV, công tác quản lý điều hành của VSTV phụ thuộc hoàn toàn vào phía CO theo cam kết hợp tác, nên Đài truyền hình Việt Nam không có vai trò điều hành trong công ty.

 

Báo cáo của VTV nêu rõ, từ năm 2016, CO đề xuất thay đổi chiến lược kinh doanh của K+ theo hướng giảm giá thuê bao còn 125.000 đồng một tháng. Bên cạnh đó, ngoài tiền thu từ thuê bao, K+ sẽ tìm thêm nguồn thu từ quảng cáo và các nguồn thu khác.

Tuy nhiên, theo dự đoán của lãnh đạo VTV, năm 2016, K+ vẫn lỗ khoảng 12 triệu USD (tương đương 260 tỷ đồng) và 2017 lỗ 120 tỷ đồng.
Nguyên nhân là việc thay đổi giá (một gói thuê bao giá thấp) ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, chi phí tài chính cao (chi phí lãi vay và tỷ giá ngoại tệ tăng mạnh) do kinh doanh chủ yếu bằng nguồn vốn vay; đầu tư nội dung để đối phó với nhiều đối thủ cạnh tranh…

Theo VTV, nếu duy trì tình trạng hiện tại, K+ sẽ tiếp tục lỗ trong vài năm tới kể cả khi đạt lợi nhuận vì phải trả lãi vay. Bởi vậy, nhằm tránh rủi ro, giảm thiệt hại với phần vốn nhà nước tại K+,  VTV cho biết sẽ đàm phán với Canal+ International Development  về những thỏa thuận tại Hợp đồng liên doanh và Điều lệ công ty, những vấn đề chưa phù hợp với thực tế, bao gồm cả việc điều chỉnh công việc quản lý, điều hành hoạt động của VSTV. 

Mặt khác, VTV sẽ chỉ đạo người đại diện thực hiện quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định pháp luật khi tham gia các nghị quyết của Hội đồng thành viên K+, tích cực tìm mọi giải pháp tăng nguồn thu, giảm chi phí, bảo đảm hoạt động kinh doanh có hiệu quả và giảm lỗ các năm trước. “Trong trường hợp áp dụng mọi giải pháp mà không đạt được mục tiêu, VTV sẽ đề nghị thoái vốn tại K+", VTV khẳng định.

Nên đọc
HÒA HẬU (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo