Doanh nghiệp - Doanh nhân

Vua đồ cũ, mua ba trăm bán tỷ rưỡi

Bởi mục đích của ông tạo ra “siêu thị” này không phải vì lợi nhuận mà là sự đam mê và với mong muốn là chợ của dân, toàn dân đều biết đến. Ông muốn thay đổi cách suy nghĩ của người dân về đồ cũ, không phải cứ là đồ cũ sẽ không dùng được nữa.

Nghe tới “siêu thị” bán đồ cũ chắc ai cũng biết tới xưởng Thưởng Thưởng nằm ở phía Bắc Thăng Long, Xã Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội.  Chủ của “siêu thị” bán đồ cũ này là ông Nguyễn Văn Thưởng người Bắc Giang. Ông Thưởng mở chợ bán đồ cũ này từ năm 2008 với mục đích là nơi giao lưu trao đổi cho tất cả mọi người hay như ông nói “ chợ cho dân”.

Nguyễn Văn Thưởng chủ “siêu thị” Thưởng Thưởng. Ảnh: Vũ Hường.

Ông bỏ việc kinh doanh ở quê ra Hà Nội làm và đã từng làm rất nhiều nghề khác nhau. Đầu năm 2008 ông làm công việc dọn nhà, chuyển nhà chọn gói cho những gia đình, công ty, doanh nghiệp nào có nhu cầu. Sau những lần chuyển nhà ông thấy xót xa cho giá trị của những  đồ dùng còn tốt mà bị bỏ lại, có thể tái sử dụng cho những người khác có nhu cầu.

Ông xuất thân từ người nông dân nên ông rất hiểu được sự khó khăn vất vả để kiếm ra được đồng tiền. Lúc đầu ông đã dùng tiền công của mình để đổi lấy những món đồ mà người ta bỏ lại. Giải pháp đó cũng không hoàn toàn tốt bởi đồ cũ người ta bỏ lại ngày càng nhiều. Sau ba tháng ông làm công việc dọn nhà trọn gói cho thiên hạ, ông quyết định mở một xưởng bán đồ cũ, đồ thanh lí ở ven đô Hà Nội với số vốn ít ỏi mà ông tích lũy.

Lúc mới mở xưởng ông gặp rất nhiều những khó khăn. Mọi người trong gia đình không ủng hộ khi ông muốn mở xưởng bán đồ cũ. Nhưng ông đã thuyết phục được mọi người bằng sự đam mê của mình. Mở được vài tháng ông thấy nhu cầu của người dân tăng cao, chỉ với những sản phẩm người ta chuyển nhà bỏ lại không đáp ứng được nhu cầu của mọi người. 

Nảy ra ý tưởng mới, ông tìm tới các làng nghề, các doanh nghiệp phá sản, các công ty sản xuất đồ dùng hàng ngày để mua lại những sản phẩm họ không dùng tới.  Những sản phẩm mà các công ty do một số lí do nào đó  không bán được cho bạn hàng, ông mua về bán cho những người dân có nhu cầu. 

Lâu dần, rồi tiếng lành đồn xa, người dân đến với xưởng của ông ngày càng nhiều. Các mặt hàng ở xưởng phong phú và đáp ứng được rất nhiều nhu cầu của người dân cũng như các nhà kinh doanh. Quan trọng hơn là giá cả ở đây rất rẻ, phù hợp với túi tiền của bà con. Không những được mua các sản phẩm còn mới mà giá chỉ bằng nửa giá ở siêu thị hay các cửa hàng.

Không lâu sau  khi thị trường rơi vào tình trạng kinh tế khó khăn chung, xưởng của ông cũng không ngoại lệ. Có điều ông chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đóng cửa cái xưởng này. “Tôi muốn làm đến cùng việc mình đã quyết định theo đuổi, chuẩn bị tâm lí trước mọi tình huống  nếu xảy ra. Không bao giờ đánh mất chính mình”, ông bảo đây là phương pháp sống .

Khi mới mở cửa cơ sở của ông chỉ có vài người, đa số là người trong gia đình. Hiện nay quy mô chợ giời này đã tăng gấp vài chục lần. Người làm có khoảng 70 đến 100, trong đó có hai phần ba là từ quê hương Bắc Ninh của ông, còn lại là ở các tỉnh khác. 

Đặc biệt hơn ở xưởng của ông còn có cả sinh viên điện tử vừa đi học vừa làm. Ban đầu chỉ dựa vào hình thức truyền miệng để người dân biết đến, sau một thời gian công nghệ thông tin bùng nổ, ông đã dùng mạng internet để tuyên truyền cho mọi người gần xa biết đến xưởng của mình. Hiện  giờ số người biết đến với chợ đồ cũ này 2/3 là trên internet, còn lại là truyền miệng. Khách đến từ các tỉnh khác nhau của miền bắc, thậm chí có cả khách miền nam cũng gọi điện cho ông rất nhiều.

Đến với xưởng của ông, mọi người sẽ tìm được cho mình tất cả các đồ gia dụng phục vụ cho nhu cầu. Xưởng của ông Thưởng chia làm hai khu vực khác nhau, một bên là đồ gia dụng cho gia đình, nhà hàng, khách sạn và một bên là những món đồ cổ và đồ giả cổ. Những sản phẩm ở đây không phải cái nào cũng đều là hàng cũ, có rất nhiều sản phẩm còn mới nguyên do một số doanh nghiệp không xuất hàng được cho bạn hàng của mình nên đã thanh lí lại cho ông.

Khu vực đồ giả cổ và đồ cổ. Ảnh: Vũ Hường.

Khu đồ văn phòng, công ty. Ảnh: Vũ Hường.

Đặc biệt hơn khi khách hàng mua sản phẩm ở xưởng về mà không ưng, không hợp, ông sẵn sàng đổi cho cái khác hoặc trả lại mà không tính thêm một đồng tiền phí nào. Đây là điều mà chưa có siêu thị nào làm được. 

Ông sẽ chịu trách nhiệm thay lại sản phẩm nếu nó bị lỗi. "Tạo ra “siêu thị” này không phải vì lợi nhuận mà là sự đam mê và với mong muốn là chợ của dân, toàn dân đều biết đến. Tôi muốn thay đổi cách suy nghĩ của người dân về đồ cũ, không phải cứ là đồ cũ sẽ không dùng được nữa", giám đốc không ngai chia sẻ.

Những sản phẩm ở đây đều được bán với giá rất mềm, sản phẩm mới chất lượng tốt như ở các siêu thị ở đây chỉ bán bằng 70% giá thị trường. Tùy sản phẩm và thời gian bất kể cũ mới đều được bảo hành.

 Cũng có người đến bán những món kỉ vật kỉ niệm nếu họ đặt vấn đề khi nào có tiền họ sẽ chuộc lại, ông sẵn sàng giữ kỉ vật đó cho họ. Khi họ quay lại ông bán trả lại cho họ với số tiền như trước và lấy thêm một ít coi như tiền kho bãi.  Theo như ông chia sẻ, có những món đồ mua rất rẻ nhưng hiện giờ giá trị của nó rất lớn. Đơn cử cái Sập bằng gỗ trắc (bộ đục bốn mặt long li quy phượng) giờ có giá lên tới 1,5 tỉ đồng mà lúc ông mua chỉ có 300 triệu đồng.

Sập giá trị hơn 1,5 tỉ đồng. Ảnh: Vũ Hường.

 “ Tôi muốn mở thêm một “siêu thị” ở trong nam bởi những thành phố lớn là những trung tâm thay đổi nhiều, nhu cầu người này thừa người kia thiếu rất lớn” ông nói về ước mơ Nam tiến của mình.

Nhưng trước hết ông muốn xây dựng xưởng “siêu thị” ở ngoài Bắc phát triển hơn nữa. Ông muốn thay đổi suy nghĩ “cũ người mới ta” ở trong lòng dân, để tất cả mọi người có nhu cầu mua đồ dùng thì đến với “siêu thị” của ông. 

Vũ Hường
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo