Xã hội

Xả thải ra biển Bình Thuận: TS Nguyễn Tác An lên tiếng

TS Nguyễn Tác An cho biết, việc xử lý chất nạo vét chỉ là một trong nhiều vấn đề về môi trường của điện than Vĩnh Tân và cần theo dõi quá trình nạo vét ở khu vực dự án này.

Ngày 9/8, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, lãnh đạo tỉnh cùng Bộ TN-MT đã có văn bản thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát nạo vét của Cty THHH Điện lực Vĩnh Tân 1 xuống biển, theo tin tức trên báo Nông nghiệp Việt Nam. 

TS Nguyễn Tác An. Ảnh: LÊ XUÂN/PLO

Theo đó, Bộ TN-MT thống nhất toàn bộ khối lượng bùn, cát gần 1 triệu m3 sẽ được đổ vào khu vực Cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Khu vực đổ là nơi san lấp cho khu neo trú tàu thuyền và phần diện tích này trước đó Cty CP Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã thỏa thuận, đồng ý cho Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đổ khối lượng bùn, cát nạo vét.

Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng thống nhất với tỉnh Bình Thuận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà đầu tư về sự cần thiết phải xây dựng và sớm vận hành các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân nhằm đảo bảo quyền lợi của nhà đầu tư và an ninh năng lượng Quốc gia.

Tuy nhiên, về lâu dài thì Bộ TN-MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, qui hoạch các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét để san lấp, lấn biển, chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh này. Đặc biệt đánh giá các mặt về cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh tế xã hội để sử dụng vật chất nạo vét san lấp, lấn biển, chống xâm thực, sạt lở bờ biển.

TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho hay việc sử dụng chất nạo vét đổ vào khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân có thể xem là phương án hợp lý hơn cả hiện nay với nhiều góc độ khác nhau.

Với lượng bùn, cát này cũng chưa đủ đất để lấp lấn ở khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Ở nhiều nước khác, họ dùng chất nạo vét để tạo ra mặt bằng mới với chi phí không cao, báo Pháp luật TP. HCM đưa tin.

 

"Qua theo dõi, tôi biết tỉnh Bình Thuận còn cần rất nhiều loại bùn, cát này để tạo mặt bằng mới cũng như chống xói lở. Điều này có thể mở ra hướng giải quyết cho 4-5 triệu m3 bùn, cát nạo vét sau này của dự án nhiệt điện Vĩnh Tân" - TS An nói.

Tuy nhiên, theo TS An, tạo mặt bằng ở biển đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật rất cao. Do đó, cần có trình độ chuyên môn cao và cả có tâm mới làm được. TS An cho rằng doanh nghiệp bao giờ cũng lấy lợi nhuận làm đầu nên tỉnh Bình Thuận và Bộ TN&MT phải kiểm soát, giám sát hết sức nghiêm túc, chặt chẽ việc này. Cán bộ giám sát phải có trình độ kỹ thuật và cái tâm mới đảm bảo hạn chế thấp nhất những tác hại.

TS An cũng lưu ý thêm: "Tôi cho rằng việc xử lý chất nạo vét chỉ là một trong nhiều vấn đề về môi trường của điện than Vĩnh Tân. Một lo ngại khác của tôi hiện nay là quá trình nạo vét ở khu vực dự án này. Nếu kiểm soát, giám sát tốt thì không sao, còn nếu không việc nạo vét sẽ xới lên cả một vùng biển, ảnh hưởng đến các nguồn lợi thủy sản xung quanh".

Nên đọc
Trân Châu (Tổng hợp theo báo Nông nghiệp Việt Nam, Pháp luật TP. HCM)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo