Xã hội

Xả thải ra biển Bình Thuận: Tình tiết mới nhất

Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận phương án không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải nạo vét xuống biển mà đưa vào khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân.

Chiều 9/8 cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa thống nhất phương án do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất. Theo đó, sẽ đưa toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vào khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân thay vì nhận chìm xuống vùng biển Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) như đã cấp phép, theo tin tức trên báo Người lao động. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận không đổ gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển gần Khu Bảo tồn Hòn Cau Ảnh: HUỲNH TUẤN/NLĐ

Khu vực đổ chất nạo vét dự kiến là nơi san lấp cho khu neo trú tàu thuyền. Phần diện tích này trước đó Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã thỏa thuận, đồng ý cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đổ bùn cát nạo vét.

Một nguồn tin khác cho hay trên cơ sở thỏa thuận giữa Bộ TN-MT và tỉnh Bình Thuận, bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng đồng ý cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất nạo vét xuống khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân, trong phần diện tích mà đơn vị này đã thỏa thuận dự kiến cho đổ vật chất nạo vét của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. 

Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương trao đổi với các bên liên quan trong tháng 8/2017 thống nhất được phương án để Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất ở vị trí đã nêu, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

Đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, điều chỉnh các quy hoạch có liên quan, thành lập một đơn vị quản lý, điều phối chung các hoạt động của các đơn vị tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, báo Sài Gòn giải phóng đưa tin.

Bộ TN-MT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét để san lấp, lấn biển, chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, đánh giá các mặt về cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh tế - xã hội để sử dụng vật chất nạo vét san lấp, lấn biển, chống xâm thực, sạt lở bờ biển.

 

Cũng theo báo Người lao động, vụ gần 1 triệu m3 chất nạo vét làm nhớ lại sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung nghiêm trọng do Formosa gây ra. Phần xả thải của dự án này cũng do Bộ TN-MT cấp phép với hàng loạt "dấu kiểm định" đỏ chót. 

Song, ngay khi chưa đi vào vận hành chính thức, dự án Formosa đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử nước ta. Những quan chức của Bộ TN-MT chịu trách nhiệm khi cấp phép cho dự án Formosa đã bị xử lý kỷ luật nhưng hậu quả mà họ để lại thì vô cùng nặng nề. Công tác khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung còn đang tiếp tục, vậy mà lại xảy ra vụ cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 chất thải.

Bởi thế, nhiều người có thể thở phào khi gần 1 triệu m3 chất thải không còn khả năng đe dọa môi trường Khu Bảo tồn Hòn Cau song có lẽ vẫn còn đó canh cánh nỗi lo về vấn đề "gác cửa" môi trường.

Nên đọc
Hồng Hà (Tổng hợp theo báo Người lao động, Sài Gòn giải phóng)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo