Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về nợ xấu
Baodautu - Trong khi lượng nợ xấu cũ chưa được giải quyết thì tại một số ngân hàng, nợ xấu đang tăng lên. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì, thưa ông?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến nợ xấu tăng lên thời gian gần đây.
Thứ nhất là khó khăn trong hoạt động của DN, xuất phát từ yếu tố nội tại của DN.
Thứ hai là khó khăn về t hị trường, về sức cầu của nền kinh tế.
Nguyên nhân thứ ba gây ra nợ xấu là những yếu kém, tồn tại của chính các ngân hàng trong thẩm định, theo dõi khoản vay, trong cả quá trình trước, trong và sau cho vay.
Hiện nợ xấu đang là áp lực, không chỉ với ngân hàng mà với cả nền kinh tế. Do đó, rất cần thiết phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm về nợ xấu. Bởi nợ xấu nếu kịp thời xác định, ngân hàng thương mại sẽ sớm có biện pháp ứng phó, từ đó giảm thiểu tác động của nợ xấu với lĩnh vực ngân hàng.
Theo ông, để nhận diện sớm nợ xấu phải bắt đầu từ đâu?
Những dấu hiệu nợ xấu có thể phát sinh thể hiện thông qua nhiều vấn đề, như phát sinh nợ quá hạn, áp lực chi phí tài chính lớn, cân nợ tài chính cao, doanh thu sụt giảm. Ngoài ra, một trong những dấu hiệu xuất hiện trong quá trình theo dõi nợ là phải theo dõi sát để phát hiện nợ xấu.
Trên thực tế, việc xác định sớm các khoản vay có vấn đề rất phức tạp vì các khoản nợ xấu bắt nguồn rất nhiều nguyên nhân, từ vĩ mô cho đến hoạt động vi mô của các DN, các ngân hàng. Do đó, nhận diện sớm khoản vay có vấn đề phải bắt đầu từ phân tích nguyên nhân và thu thập thông tin khách hàng.
Hiện nay, khó khăn nhất để nhận diện nợ xấu là khó thu thập thông tin chính xác, đầy đủ về khách hàng để có cơ sở đánh giá đúng. Bên cạnh đó, công tác đánh giá, dự báo về nền kinh tế cũng cần được nâng lên.
Tại ABBank, chúng tôi tập trung phát hiện nợ xấu một cách sớm nhất, ngay từ trước khi cho vay bằng cách thu thập thông tin đầy đủ nhất về khách hàng. Đồng thời, công tác giám sát, thu thập thông tin tiếp tục được đẩy mạnh sau khi cho vay.
Theo ông, làm thế nào để vừa xử lý nợ xấu nhưng vừa cứu được DN?
Khi có các khoản nợ xấu, các ngân hàng áp dụng nhiều giải pháp tổng thể để xử lý. Đơn cử với ABBank, trên cơ sở phân tích đặc thù của từng khách hàng, chúng tôi sẽ lựa chọn nhiều giải pháp như: như mua bán nợ, tái cơ cấu, gia hạn nợ (với các khách hàng có khả năng trả nợ) hoặc giải pháp cuối cùng là khởi kiện và thu hồi nợ.
Như vậy, điều quan trọng nhất với xử lý nợ là ngân hàng phải đánh giá đúng tiềm năng và nhận diện rõ khó khăn của DN. Trong nhiều trường hợp, nếu thấy DN còn khả năng phục hồi, ngân hàng phải đồng hành với DN, gia hạn nợ, tái cơ cấu để tháo gỡ khó khăn cho DN, biến nợ xấu thành nhóm nợ bình thường.
Hà Tâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo