Thị trường

Xe ô tô nhập khẩu bất ngờ suy giảm

(DNVN) - Vượt qua “cửa ải” VTA, ôtô nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 3 song sang tháng 4/2018, lượng ôtô CBU bắt đầu suy giảm đến 32%. Theo số liệu được Tổng cục Hải quan thống kê hằng tuần, phần lớn ôtô CBU nhập khẩu vẫn chỉ mang xuất xứ Thái Lan.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, ước tính có khoảng 2.500 ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu về nước trong tháng 4/2018, đạt giá trị kim ngạch 80 triệu USD. Hết tháng 4, phần lớn ôtô con nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan với 479 xe, chiếm 98,4%. Lượng ôtô con nhập khẩu từ hai cửa khẩu khu vực cảng Hải Phòng 250 xe và cảng TP HCM 230 xe. Kể từ đầu năm đến nay, ôtô con nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan với khoảng 5.000 xe.

Nếu con số ước tính này sát với con số thực hiện sẽ được công bố vào cuối tháng 5, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ôtô nguyên chiếc (CBU) tháng 4/2018 xem như đã có cú sụt giảm bất ngờ cả về lượng lẫn giá trị. Cụ thể, so với tháng liền kề trước đó, lượng ôtô CBU nhập khẩu về nước trong tháng 4/2018 giảm đến 32% trong khi giá trị kim ngạch giảm nhẹ 6%.

Yếu tố bất ngờ của sự suy giảm kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU tháng 4/2018 nằm ở bối cảnh thị trường hiện nay. Sau khi "vượt rào" thành công với thủ tục Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô (VTA) theo quy định tại Nghị định 116 của Chính phủ, các hãng xe đang tích cực đưa mặt hàng ôtô CBU có xuất xứ từ Thái Lan và Indonesia về nước.

Tuy nhiên, theo số liệu được Tổng cục Hải quan thống kê hằng tuần, phần lớn ôtô CBU nhập khẩu vẫn chỉ mang xuất xứ Thái Lan. Xe hơi xuất xứ từ Indonesia vẫn chưa xuất hiện trở lại tại Việt Nam, dù tín hiệu lạc quan đã có từ tháng 3/2018 khi Bộ GTVT chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại VTA do Indonesia cấp. Toyota là hãng có nhiều sản phẩm theo kế hoạch nhập khẩu từ nước vạn đảo nhưng do thời gian đặt hàng và vận chuyển khá lâu khiến nguồn cung tạm thời gián đoạn. Khách hàng trong nước đang chờ đợi lô hàng mới của Fortuner, mẫu xe đô thị cỡ nhỏ Wigo, MPV Avanza. Đáng chú ý là ôtô nhập khẩu từ Indonesia vốn dĩ chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong những năm gần đây.

Lý do chủ yếu dẫn đến sự chậm trễ của ôtô Indonesia là bởi thủ tục VTA do Chính phủ nước này cung cấp được chấp nhận sau Thái Lan. Bên cạnh đó, nếu như hầu hết các mẫu xe nhập khẩu từ các nước nội khối ASEAN đều có xuất xứ Thái Lan thì xe có xuất xứ Indonesia hầu như chỉ thuộc về Toyota với mẫu xe Fortuner và tới đây là Avanza và Wigo.

 

Thời gian này, ôtô CBU xuất xứ ASEAN cập cảng vẫn chỉ là những lô xe đầu tiên nhanh chân về nước sau khi các hãng xe giải quyết xong thủ tục VTA. Với mỗi lô xe có thể lên đến hàng nghìn chiếc như Honda từng thực hiện hồi tháng 3/2018, việc một vài lô xe chậm cập cảng hoàn toàn có thể khiến kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU nói chung bị sụt giảm mạnh.

Theo tính toán, mặt hàng ôtô CBU sẽ chỉ có thể về nước đều đặn hơn vào nửa sau của năm 2018. Khi đó, những biến động về kim ngạch mới thực sự đáng lưu tâm. Còn lúc này, chẳng hạn trong tháng 4/2018, sự suy giảm của kim ngạch nhập khẩu ôtô CBU đơn giản chỉ là bởi các lô xe vẫn đang trên đường về nước.

Nên đọc
Minh Phượng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo