Tin tức - Sự kiện

Xem thường tính mạng

Trên 48% tai nạn lao động xảy ra do người sử dụng lao động và người lao động vi phạm kỷ luật lao động

 “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP HCM đã xảy ra 94 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), chủ yếu do điện giật, ngã, vật đè, vật rơi, ngạt khí, nổ thiết bị... Dự báo từ đây đến cuối năm, con số này sẽ tăng do các công trình xây dựng đang gấp rút hoàn tất; các nhà máy, xí nghiệp cũng vào mùa tăng ca để kịp giao hàng, lấy tiền trả lương, trả thưởng cho công nhân (CN)” - ông Nguyễn Quốc Việt, Trưởng Phòng An toàn lao động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Bảo đảm an toàn lao động cho công nhân là trách nhiệm của doanh nghiệp

TP HCM, cảnh báo như vậy tại tọa đàm “Vai trò của Công đoàn (CĐ) trong phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN), phòng chống cháy nổ” do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây.

 

Chết do chủ quan

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trên 48% TNLĐ xảy ra do người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) vi phạm kỷ luật lao động. Thuật lại một vụ TNLĐ chết người vừa xảy ra tại một đơn vị trực thuộc, bà Lý Mộng Xuân, Chủ tịch CĐ khối cơ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lấy làm tiếc: Trong khi leo lên bồn nguyên liệu cao 3 m để xả nguyên liệu, anh CN đã bị trượt chân té xuống đất, chết ngay tại chỗ. Nguyên nhân do anh không thắt dây an toàn dù doanh nghiệp (DN) có trang bị. Xem thường tính mạng của mình, NLĐ đã phải trả một cái giá quá đắt.

Theo các chuyên gia an toàn lao động, để xảy ra TNLĐ có lỗi chủ quan từ phía NLĐ nhưng người sử dụng lao động cũng có một phần trách nhiệm khi không giám sát, nhắc nhở khi NLĐ vi phạm quy trình làm việc an toàn. Điển hình là vụ TNLĐ xảy ra mới đây tại Công ty U.P (KCN Tân Tạo, TP HCM) khiến 2 CN bị mất 4 ngón tay. Nguyên tắc hoạt động của máy là CN phải dùng cả 2 tay ấn vào 2 nút để máy dập xuống. Tuy nhiên, để tiết kiệm thời gian, CN tự ý dùng 1 chiếc nút chèn vào 1 bên máy và chỉ dùng 1 bàn tay ấn vào máy. Vì thao tác sai nên khi máy dập xuống đã cắt đứt 4 ngón tay của 2 CN này. Điều đáng nói là những vụ tai nạn tương tự như thế này đã từng xảy ra nhưng DN vẫn không hề cảnh báo CN.

Khảo sát về ý thức tuân thủ an toàn lao động của CN ở một số công trường xây dựng tại TP HCM, chuyên viên bảo hộ lao động (BHLĐ) LĐLĐ TP phát hiện rất nhiều trường hợp CN không mang đầy đủ trang bị, quần áo BHLĐ. Khi chuyên viên đặt câu hỏi: “Làm việc trong điều kiện nguy hiểm, tại sao các bạn không yêu cầu DN trang bị đồ BHLĐ?”, rất nhiều CN trả lời tỉnh bơ: “Có việc làm là phúc rồi, nếu chúng tôi đòi hỏi, ai dám thuê chúng tôi nữa?”. Vì thu nhập, số đông CN bất chấp tính mạng của mình. Về phía DN, để tiết kiệm chi phí đầu tư đã không trang bị đầy đủ phương tiện BHLĐ cho CN. Tai nạn xảy ra, CN là người chịu thiệt thòi.

 

Khám sức khỏe để đối phó

Đó là thực trạng chung được các đại biểu đề cập tại hội thảo. Bà Lê Thị Mỹ Châu, Chủ tịch CĐ ngành Y tế TP HCM, cho biết qua kiểm tra, hầu hết các đơn vị đều thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ (95,5%), có lập hồ sơ vệ sinh lao động (51,84%), có hội đồng BHLĐ (85,3%), có cán bộ y tế chuyên trách hoặc kiêm nhiệm (78,5%). Đáng lưu ý là chỉ 34,2% đơn vị có nguy cơ mắc BNN có tổ chức khám BNN cho NLĐ.

Ông Trần Lê Duy Sơn, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Dệt may Gia Định, cho biết dệt may được xếp vào nghề nặng nhọc, độc hại, theo quy định mỗi năm phải khám sức khỏe 2 lần. “Với chi phí 50.000 đồng đến 100.000 đồng/người/lần, thời gian dành cho mỗi người chỉ khoảng 15 phút nên rất khó có thể phát hiện BNN” - ông Sơn nói. Ông Trần Sỹ Trung, Chủ tịch CĐ Công ty Mountech (CĐ ngành Dệt may TP), phản ánh các DN hiện nay khám bệnh chủ yếu để đối phó. Đến thời điểm khám bệnh, phòng tổ chức hành chính khảo sát giá cả của nhiều bệnh viện, cơ sở y tế và chọn nơi nào có giá rẻ nhất. Bà Nguyễn Ngọc Trang, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, đề xuất: “Việc khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ hiện nay có chiều hướng giảm về chất lượng. Đa số các cơ sở y tế đều khám dịch vụ nên giá rất cao và không phải DN nào cũng kham nổi. Về lâu dài, LĐLĐ TP nên chủ động phối hợp cùng Sở Y tế để có biện pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh theo hướng phục vụ NLĐ”.

 “TP HCM hiện có 86.000 DN sản xuất - kinh doanh và 100.000 cơ sở sản xuất nhỏ, do vậy việc thanh tra, xử phạt chẳng thấm vào đâu. CĐ các cấp phải chủ động tuyên truyền cho NLĐ biết quyền lợi của mình, từ chối làm việc nếu thấy không bảo đảm an toàn lao động” .Ông Nguyễn Quốc Việt

Theo Người Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo