Thị trường

Xuất khẩu cá ngừ đại dương: “Thò chân” vào thị trường Nhật

Ông Lê Hữu Lộc cho hay, để đảm bảo chất lượng cá ngừ đại dương xuất sang Nhật Bản, thời gian tới Bình Định sẽ triển khai các giải pháp tăng cường tổ chức các lớp huấn luyện theo quy trình mới cho ngư dân để các ngư dân thuần thục quy trình này, đồng thời phối hợp với Bidifisco cử hai cán bộ sang Nhật Bản để học tập cách đánh giá chất lượng cá ngừ và phân loại, từ đó định ra giá các loại sản phẩm ngay tại chỗ để công bố cho ngư dân biết.

 Đầu tháng 8/2014, các ngư dân tỉnh Bình Định được chọn thực hiện thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Chuyến đi biển này, các ngư dân Bình Định mang về chiến lợi phẩm là 37 con cá ngừ đại dương. Trong số đó, 9 con được lựa chọn xuất khẩu bằng đường hàng không qua thị trường Nhật Bản và được bán đấu giá ngay sau đó. Con cá chất lượng tốt nhất có giá tương đương khoảng 437 ngàn đồng/kg, con có chất lượng thấp nhất giá khoảng 50 ngàn đồng/kg.

Là đơn vị tiên phong trong việc xuất khẩu cá ngừ đánh bắt theo công nghệ mới sang Nhật Bản, đề cập đến thực tế cá ngừ đại dương Việt Nam xuất ngoại thí điểm vừa qua, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc CTCP Thủy sản Bình Định (Bidifisco) khẳng định, nếu so với cá đánh bắt theo kiểu truyền thống, bán tại thị trường nội địa thì giá cá ngừ đánh bắt theo công nghệ mới cao gấp 3 lần. Kết quả bán đấu giá vừa qua tại thị trường Nhật Bản là sự thành công lớn so với kỳ vọng của DN.
 
Cá ngừ đại dương Việt Nam bị áp giá thấp do chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật bảo quản và chế biến
 
Vấn đề là chất lượng
 
Nhưng nếu nhìn từ mức chênh lệch giá rất lớn nêu trên, có thể thấy không phải cứ đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ mới được chuyển giao là có thể xuất khẩu với giá trị cao. Dù về cơ bản, áp dụng công nghệ mới vào đánh bắt thủy sản là nền tảng để đảm bảo chất lượng cá, đồng thời cải thiện năng lực đánh bắt của ngư dân nước ta. Cũng bởi từ lâu, ngư dân Việt Nam đánh bắt và bảo quản trên tàu trước khi vào bờ thường theo phương thức truyền thống, còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng cá suy giảm.
 
Các chuyên gia cho rằng, cá ngừ đại dương đánh bắt tại vùng biển của Việt Nam không thua chất lượng cùng loại với các vùng biển khác, song nghịch lý là cá do ngư dân Việt Nam đánh bắt luôn mất giá so với các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… Các chuyên gia lý giải, chính thói quen dùng búa đập chết cá, để cá trên nền đất sau khi đánh bắt... là nguyên nhân khiến cho cá ngừ Việt Nam khó xuất sang Nhật Bản để làm các món tươi sushi, sashimi. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tươi sống của thị trường này rất lớn.
 
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, yêu cầu về chất lượng đối với cá ngừ làm các món tươi của Nhật Bản rất cao và để đáp ứng tiêu chuẩn này, ngư dân buộc phải tuân thủ đúng theo quy trình của công nghệ đối tác Nhật Bản cung cấp. Trong số 37 con cá ngừ đánh bắt bằng công nghệ mới vừa qua, chỉ có 9 con được lựa chọn là do ngư dân Việt Nam mới áp dụng theo quy trình này nên chưa thuần thục, có con bắt lên được làm đúng quy trình, có con thì chưa nên dẫn đến chất lượng chưa đảm bảo, không đồng đều…
 
Để chinh phục được người mua tại thị trường Nhật Bản là chuyện không phải đơn giản. Bởi đây là quốc gia có thế mạnh về khai thác, bảo quản và chế biến thủy hải sản có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cao và tuân thủ rất khắt khe quy trình đánh bắt, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm… Vậy nên, vấn đề đặt ra cho các cơ quan chức năng liên quan, các ngư dân tham gia đánh bắt, DN thu mua xuất khẩu là cần phải khắc phục ngay những hạn chế trong khai thác, lưu trữ, bảo quản sau khi khai thác… Đó chính là nguyên nhân dẫn đến yếu tố chênh lệch về giá giữa các sản phẩm cá ngừ bắt được. Vậy nên, vấn đề nằm ở khâu đánh bắt và xử lý tại chỗ.
 
Theo nguyên tắc bảo quản sản phẩm cá đánh bắt được của phái đoàn Nhật Bản đưa ra là làm sao giữ được cá ở nhiệt độ thấp và nhanh chóng loại bỏ ruột, lấy máu trong vòng 2 phút… Trong khi, với ngư dân Việt Nam, do thói quen nên điều này là hoàn toàn xa lạ. Ngoài ra, một phần là do ngư dân quen với việc đánh bắt xa bờ, kéo dài ít nhất nửa tháng còn theo công nghệ mới thì tối đa chỉ 10 ngày. Đó là lý do vì sao trong khi cá ngừ do ngư dân Nhật Bản đánh bắt thì đỏ tươi, còn cá do Việt Nam đánh bắt lại có màu đỏ sẫm và thâm…
 
Tiềm năng rất lớn
 
Theo các số liệu thống kê, hiện nay các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa có hơn 3.500 tàu với khoảng 35.000 lao động tham gia khai thác cá ngừ đại dương. Trung bình mỗi năm ngư dân ở các địa phương này đánh bắt 16.000 tấn cá ngừ đại dương. Chỉ tính riêng trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đạt khoảng 527 triệu USD. Còn năm 2014, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu cá ngừ đại dương đến 100 nước, trong đó tập trung vào các thị trường lớn là Mỹ, EU, Nhật Bản... đạt 560 triệu USD.
 
Dưới góc độ DN, bà Cao Thị Kim Lan cho biết, hàng năm thị trường Nhật Bản tiêu thụ khoảng 600.000 tấn cá ngừ đại dương, trong đó có 300.000 tấn phải nhập từ nước ngoài. Nhưng, trong số đó chỉ có 100.000 tấn là cá tươi, 200.000 tấn đông lạnh nên Bidifisco hoàn toàn có thể đảm bảo bao tiêu tất cả số cá ngừ của ngư dân với giá tốt nhất trên thị trường, với điều kiện các sản phẩm phải đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu.
 
“Đây là cơ hội để các ngư dân làm giàu, đổi đời vì sẽ được tiếp nhận công nghệ, được đào tạo trên những con tàu đã quy chuẩn để có thể ra khơi đánh bắt đúng quy trình, bảo quản cá đúng chất lượng. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới ngư dân sẽ thấy được hiệu quả để mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị mới để sản xuất theo hướng này”, bà Lan nhấn mạnh.
 
Về phía chính quyền, ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, để đảm bảo chất lượng cá ngừ đại dương xuất sang Nhật Bản, thời gian tới Bình Định sẽ triển khai các giải pháp tăng cường tổ chức các lớp huấn luyện theo quy trình mới cho ngư dân để các ngư dân thuần thục quy trình này, đồng thời phối hợp với Bidifisco cử hai cán bộ sang Nhật Bản để học tập cách đánh giá chất lượng cá ngừ và phân loại, từ đó định ra giá các loại sản phẩm ngay tại chỗ để công bố cho ngư dân biết. Trên cơ sở đó, các ngư dân đánh bắt cho đúng quy trình, đảm bảo chất lượng sản phẩm.
 
Ngoài ra, Bình Định sẽ làm việc với Bidifisco để DN này đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, cung ứng các dịch vụ ra ngoài biển và thu mua sản phẩm xuất khẩu theo đúng thời gian quy định; đồng thời hơn nữa đẩy mạnh cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ để hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ.
 
Theo thờibáongânhàng
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo