Thị trường

Xuất khẩu dệt may 2014: Mục tiêu 20 tỷ USD có thành hiện thực?

Trong những năm qua, sản phẩm dệt may của Việt Nam không chỉ khẳng định chỗ đứng trên thị trường truyền thống mà còn mở rộng sang rất nhiều thị trường mới. Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng ngành dệt may Việt Nam tiếp tục phát triển, xuất khẩu hàng dệt và may mặc năm 2014 đạt 20 tỷ USD và năm 2015 đạt 22 tỷ USD.

Các DN dệt may cần phải chủ động hơn từ khâu nguyên liệu tới sản xuất. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Tăng dần về chất lượng

Kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn ngành năm 2013 ước đạt khoảng 20 tỷ USD, tăng 16,28% so với năm 2012. Trong đó, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại ước đạt 2,132 tỷ USD, xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 17,891 tỷ USD.

Đáng chú ý, ngành dệt may đang chuyển dần từ tăng trưởng theo số lượng sang nâng cao năng suất lao động và gia tăng hàm lượng nội địa hóa.

Nhiều doanh nghiệp (DN) đã xây dựng lộ trình và phương án sản xuất theo hướng chủ động nguồn nguyên liệu, chủ động thiết kế, sản xuất.

Hiện tại, Việt Nam đang tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do với các thị trường lớn như Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – Liên minh hải quan Nga – Belarus – Kazashtan, và có khả năng sẽ khởi động đàm phán cả FTA song phương với Hàn Quốc. Các hiệp định thương mại sẽ mở ra cơ hội tăng kim ngạch và thị phần xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào các nước và khu vực này trong các năm tới.

Với những sự chuẩn bị đó, Việt Nam hoàn toàn có thể hy vọng, trong năm 2014, 2015, sản xuất và xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam tiếp tục phát triển, xuất khẩu tăng trưởng cao khoảng trên 15%. Lý do vì kinh tế thế giới dần hồi phục, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may tăng, sản xuất nguyên phụ liệu thay thế nhập khẩu cũng sẽ cải thiện hơn. Hiệp hội dệt may dự báo, sản lượng xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại đạt 2,471 tỷ USD vào năm 2014 và 2,7 tỷ USD vào 2015, xuất khẩu hàng dệt và may mặc năm 2014 đạt 20 tỷ USD và năm 2015 đạt 22 tỷ USD.

Chủ động hơn trước TPP

Tuy nhiên, hiện dệt may Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Tạ Đình Xuyên cho biết: “Đối với ngành may, 46% vải nhập từ nước ngoài, máy móc, thiết bị nhập gần như 100%, các nguyên phụ liệu nhập rất nhiều. Do vậy, yêu cầu đặt ra là phải phát triển sản xuất trong nước đặc biệt là phát triển công nghiệp phụ trợ, giải quyết các khâu từ nguyên liệu cho đến linh kiện sản phẩm. Nếu chúng ta phát triển tốt công nghiệp phụ trợ thì đó là cơ hội nâng cao giá trị gia tăng”.

Năm 2014 rất quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho TPP. Hiện nay, trong 12 nước thành viên TPP thì có 2 thị trường trọng yếu của dệt may Việt Nam là Mỹ (chiếm 44% tổng kim ngạch xuất khẩu) và Nhật Bản (chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu). Tuy chưa chính thức gia nhập, nhưng năng lực nội khối TPP của Việt Nam đã chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu với trên 12 tỷ USD. Điều này cho thấy, lợi thế của Việt Nam sẽ rất lớn nếu đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định.

Đáng lưu ý, các thỏa thuận đến thời điểm hiện tại đều cho thấy khả năng áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi là rất cao. Theo TS Nguyễn Minh Phong, vướng mắc lớn nhất đối với ngành dệt may chính là nếu không khai thác được xuất xứ hàng hóa 100% trong TPP thì sẽ không được hưởng lợi từ xuất khẩu, ngược lại còn bị cạnh tranh rất mạnh từ các nước cùng khối. Trên thực tế, một số DN trong nước đã đầu tư trong nước để sản xuất vùng nguyên liệu, đa dạng hóa nguồn cung, hoặc chuyển sang các nước sau này có khả năng cùng nhóm TPP. Một việc cần làm nữa là có thể dịch chuyển một số mặt hàng sản xuất để bớt phụ thuộc vào dòng nguyên liệu đó, hoặc tìm nguyên liệu thay thế ở trong nước

Mặt khác, hiện DN FDI có tốc độ đầu tư vào ngành dệt may rất cao trong 2 năm qua, tập trung phần lớn vào sản xuất nguyên liệu. Hiện tại, các DN FDI đã chiếm gần 60% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước, DN Việt Nam chỉ còn chiếm tỷ trọng 40%. Như vậy, nếu không tích cực chuẩn bị và tăng tốc thì khi TPP được ký kết, cơ hội rất dễ lại rơi vào tay DN FDI.  

Dệt may đang có lợi thế và rất muốn tăng trưởng cao hơn nữa. Các DN dệt may phải chủ động, tích cực hơn, có lộ trình, có kế hoạch cụ thể cho hoạt động của mình từ khâu nguyên liệu đến sản xuất chứ không thể thụ động chờ đợi, để khi hiệp định có hiệu lực thì ngay lập tức có thể bắt tay vào quá trình đó.

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo