Góc nhìn

Viết tiếp vụ việc “Doanh nghiệp “kêu cứu” nguy cơ chết yểu vì phải nộp thuế oan 26 tỉ đồng do lỗi của Bộ TN&MT?"

DNVN - Ngoài bị thu thuế oan hơn 26 tỷ đồng, Công ty Công Lý, trụ sở tại đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP.Cà Mau) bị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) “làm khó” một cách khó hiểu. UBND tỉnh Cà Mau cùng lãnh đạo Công ty Công Lý liên tục ra hàng loạt văn bản, tờ trình nhưng chưa được phản hồi ?!

Cà Mau: Doanh nghiệp “kêu cứu” nguy cơ chết yểu vì phải nộp thuế oan 26 tỉ đồng do lỗi của Bộ TN&MT? / Lãnh đạo tỉnh Cà Mau lên tiếng vụ việc: “Doanh nghiệp “kêu cứu” nguy cơ chết yểu vì phải nộp thuế oan 26 tỉ đồng do lỗi của Bộ TN&MT?"


Vì sao kiến nghị của Công ty và UBND tỉnh không được Bộ TN&MT chấp nhận?

Trong các số báo ngày 29/5/2021, 31/5/2021,Doanh nghiệp Việt Nam đăng bài “Doanh nghiệp “kêu cứu” nguy cơ chết yểu vì phải nộp thuế oan 26 tỉ đồng do lỗi của Bộ TN&MT?”. Nội dung phản ánh, gần 5 năm qua, Công ty Công Lý cùng lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau nhiều lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT những bất hợp lý khi Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chưa kiểm tra thực địa, chưa cắm mốc khu vực biển, Công ty Công Lý chưa sử dụng nhưng bị buộc nộp thuế oan hơn 26 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, tại Báo cáo số 80/BC-BTNMT ngày 14/9/2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: ''Công ty Công Lý chưa thực hiện việc khai thác, sử dụng khu vực biển 1.968,8 ha biển vào mục đích khai thác năng lượng gió và không sử dụng vào mục đích khác.... Công ty Công Lý và UBND tỉnh Cà Mau đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển. Tuy nhiên, Nghị định số 51/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 198/2015/TTLT-BTC-BTNMT chưa có quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển. Đây cũng là điểm hạn chế, bất cập, thiếu đồng bộ, thống nhất với các quy định của pháp luật đầu tư, đất đai, bảo vệ môi trường cần nghiên cứu sửa đổi trong thời gian tới’’. Sau 3 năm, những bất cập trên không thay đổi, nợ thuế oan Công ty Công Lý ngày một tăng lên.

Chính phủ đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án giai đoạn 1

Ông Tô Hoài Dân, Tổng giám đốc Công ty Công Lý tâm sự: “Trong khi Đảng và Nhà nước tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ TN&MT… có biểu hiện làm khó doanh nghiệp. Ngoài việc bị tính thuế oan, công ty chúng tôi bị ép đến đường cùng”. Theo hồ sơ ông Dân cung cấp, ngày 14/1/2016, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 90/TTg-KTN về việc chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1. Đến ngày 14/6/2016, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc ký quyết định số 2115 giao khu vực biển cho Công ty Công Lý.

Nhằm thực hiện đúng tiến độ của dự án, Công ty Công Lý kêu gọi đầu tư và được đối tác ở Thái Lan đồng ý. Ngày 09/3/2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 321/TTg-CN đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 là Nhà đầu tư thực hiện Dự án là: Công ty cổ phần Super Wind Energy Công Lý 1. Nguồn vốn: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 15% tổng mức đầu tư và vốn vay Ngân hàng Bangkok Thái Lan chiếm 85% tổng mức đầu tư.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch Nước) cùng Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-ocha chứng kiến ông Tô Hoài Dân (bên trái) ký kết ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Super Energy trong chuyến thăm chính thức Thái Lan tháng 8/2017

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch Nước) cùng Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-ocha chứng kiến ông Tô Hoài Dân (bên trái) ký kết ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Super Energy trong chuyến thăm chính thức Thái Lan tháng 8/2017.

Trong văn bản ghi nhớ hợp tác (nêu trong ảnh) ghi rõ: “Giao cho UBND tỉnh Cà Mau giám sát các bên liên quan thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh trong quá trình điều chỉnh Chủ đầu tư Dự án theo đúng quy định của pháp luật”.

Như vậy, cũng theo văn bản trên, các quyết định trước đó không còn hiệu lực như: Quyết giao khu vực biển cho Công ty Công Lý. “Nếu thực hiện theo đúng trình tự pháp luật thì các quyết định trước ngày 9/3/2018 đều vô hiệu. Cụ thể tháng 1/2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đồng ý Dự án Nhà máy điện gió Khu du lịch Khai Long. Tháng 6/2016, Bộ TN&MT ký quyết định giao khu vực biển và bắt đầu tính thuế cho Công ty Công Lý dù doanh nghiệp chưa được phép sử dụng diện tích trên. Tháng 3/2018, Thủ tướng Chính phủ có quyết định đồng ý thay đổi chủ đầu tư Dự án trên, nhưng Bộ TN&MT vẫn tiếp tục tính thuế cho Công ty Công Lý. Đây rõ ràng bất hợp lý và Bộ TN&MT “ép” doanh nghiệp khi chịu thuế oan và phải đóng thuế khi bản thân doanh nghiệp không còn chủ sở hữu dự án. Đồng thời Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Thuế tỉnh Cà Mau vẫn tiếp tục đề nghị Công ty Công Lý phải nộp thuế đến nay với số tiền hơn 26 tỉ đống.

Vẫn là câu chuyện … chưa nộp tiền thuê mặt biển

Đưa cho phóng viên xem bộ hồ sơ gồm tờ trình, báo cáo gửi Bộ TN&MT, Thủ tướng Chính phủ, ông Dân lắc đầu ngao ngán: “Từ ngày 9/3/2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý thay đổi nhà đầu tư, Công ty có nhiều báo cáo, tờ trình đề nghị Bộ TN&MT có quyết định giao Khu vực biển bởi quyết định trước đó bị vô hiệu nhưng vẫn không nhận được sự trả lời thỏa đáng”. Từ công ty kinh doanh, Công ty Công Lý loay hoay với báo cáo tình hình hoạt động, tờ trình xin giao khu vực biển theo quyết định của Thủ tướng nhưng chưa được giải quyết. Cụ thể, ngày 7/8/2018, Công ty Công Lý nộp hồ sơ cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xin sửa, bổ sung hồ sơ khu vực biển theo quyết định số 321 của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 08/10/2019, Cục Quản lý khai thác Biển và Hải đảo Việt Nam có thông báo gửi Công ty Công Lý kết quả không chấp nhận bổ sung hồ sơ do công ty chưa nộp tiền sử dụng khu vực biển.

Văn bản đề nghị bổ sung hồ sơ của Công ty Công Lý 1 năm sau mới được Cục Quản ký khai thác Biển và Hải đảo Việt Nam trả lời.

Văn bản đề nghị bổ sung hồ sơ của Công ty Công Lý 1 năm sau mới được Cục Quản ký khai thác Biển và Hải đảo Việt Nam trả lời.

Ông Dân viện dẫn, theo quy định tại khoản 2, Điều 20 Nghị định số 51/2014/NĐ-CP. có quy định, thời gian thẩm định hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung quyết định giao khu vực biển là 20 ngày kể từ ngày ra văn bản tiếp nhận hồ sơ. Đằng này, Cục Quản lý khai thác Biển và Hải đảo có công văn trả lời cho công ty sau hơn 1 năm nhận hồ sơ. Mặc khác, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý thay đổi Chủ đầu tư của dự án, Bộ TN&MT cũng đồng ý nhưng các cơ quan trên không thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tiến hành giao khu vực biển, kiểm tra thực địa, cắm mốc cho chủ đầu tư mới.
Ngày 24/7/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có báo cáo đề nghị Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xem xét, tham mưu cho Bộ TN&MT phối hợp các bộ xem xét lại thu tiền đối với Công ty Công Lý một cách khách quan”. Ngày 10/11/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành liên quan xem xét, chấp thuận điều chỉnh bổ sung Quyết định giao khu vực biển cho chủ đầu tư mới theo Quyết định của Thủ tướng. Và cũng như những lần trước, đề xuất chính đáng của UBND tỉnh và Công ty Công Lý không được xem xét, giải quyết.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bỏ hàng ngàn giấy phép con… được cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước ủng hộ. Tuy nhiêm, một số ít cơ quan, ban ngành gây khó cho doanh nghiệp cần phải sớm chấn chỉnh đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Qua 3 bài viết về những bức xúc của Công ty Công Lý, những kiến nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau không được xem xét, giải quyết, Doanh nghiệp Việt Nam rất mong nhận được thông tin chính thức từ các cơ quan Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Công ty Công Lý nói riêng và doanh nghiệp của cả nước nói chung trước tình hình khó khăn của đại dịch Covid-19.

Mai Trâm (bandoc@doanhnghiepvn.vn)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm